Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm 3 nước châu Âu
Nhận lời mời của các Thủ tướng 3 nước: Cộng hòa Kazakhstan, Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Hungary, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi thăm chính thức những nước này từ ngày 14 đến 19/9.
Cộng hòa Kazakhstan là một trong các quốc gia có diện tích lớn nhất trong các nước SNG (chỉ đứng sau Nga), có nền kinh tế công, nông nghiệp phát triển, trong đó nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt. Nền công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và chế tạo máy, đặc biệt có trữ lượng lớn về dầu mỏ. Việt Nam và Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 26/9/1992.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là chuyến thăm thứ hai của Thủ tướng Việt Nam sang nước này sau 19 năm, kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 6/1994).
Với vị trí địa lý ba mặt giáp biển Bắc và biển Baltic, Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển và là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới. Các ngành kinh tế mũi nhọn của Đan Mạch gồm: vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, lĩnh vực môi trường và công nghệ xanh-sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng…
Đan Mạch cũng cung cấp vốn ODA lớn thứ hai cho Việt Nam trong EU với tổng số vốn khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu đầu tư cho lĩnh vực xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc. Mỗi năm, Đan Mạch viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 60 triệu USD.
Nằm giữa Trung Âu, Hungary có nền kinh tế công-nông nghiệp phát triển trung bình và phụ thuộc nhiều vào ngoại thương.
Việt Nam và Hungary sắp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao hai nước vào năm tới.
Trung bình ODA Hungary dành cho Việt Năm khoảng 500.000 euro. Năm 2008, Hungary đã tăng mức cam kết ODA cho Việt Nam lên 49,5 triệu USD.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện nay có khoảng 4.000 người, sống tập trung chủ yếu ở Thủ đô Budapest.
Chuyến thăm chính thức tới Kazakhstan, Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Hungary lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm khẳng định mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, trong đó tăng cường sự hợp tác về kinh tế-thương mại với các nước; thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam với 3 nước vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Theo TTXVN/Vietnam+