Thủ tướng: Người dân gọi "pháo đài" phải đáp lời, không để dân đứt bữa!
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu mỗi "pháo đài" phải đảm bảo an sinh xã hội mọi lúc, mọi nơi. Khi người dân cần, người dân gọi thì "pháo đài" là các xã, phường phải đáp, không được để người dân đứt bữa, thiếu ăn.
Phấn đấu chậm nhất 15/9 phải kiểm soát được tình hình
Ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bình Dương.
Chuyến làm việc của Thủ tướng cùng đoàn công tác nhằm đánh giá sơ bộ việc triển khai tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Bình Dương kể từ ngày 23/8, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát, thúc đẩy, động viên các cơ sở, xã, phường trong phòng chống dịch.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Bình Dương trong công tác phòng chống dịch bệnh, sự đóng góp của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ, tham gia vào công tác phòng chống dịch.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết quả chống dịch đợt này đã đạt được thành quả nhất định. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn phức tạp ở 3 địa phương là TP Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên, đặc biệt là 15 phường đang thực hiện "khóa chặt, đông cứng". Bài học kinh nghiệm rút ra là phải tập trung cho 15 phường này nhiều hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Bình Dương cần cố gắng kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất có thể và phấn đấu chậm nhất 15/9 phải kiểm soát được tình hình theo quy định của Bộ Y tế, nhanh chóng đưa Bình Dương trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục thực hiện 2 mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lấy xã, phường, nhà máy, xí nghiệp làm pháo đài, người dân là chiến sĩ. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, mỗi người dân vừa là trung tâm phục vụ trong phòng chống dịch, nhưng vừa là chủ thể tham gia chống dịch.
Khi lấy xã, phường, nhà máy, xí nghiệp làm pháo đài thì phải vận động, kêu gọi và huy động người dân thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16 và theo tăng cường giãn cách xã hội, làm cho người dân hiểu, chia sẻ để người dân phải tham gia việc chống dịch vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người dân, bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
"Tôi đề nghị các phường xã, gần 100 điểm cầu hôm nay phải quán triệt tư tưởng này đến tận người dân, kêu gọi người dân tham gia, hưởng ứng và động viên nhân dân thực hiện. Giải thích cho nhân dân hiểu góp phần thực hiện giãn cách thật nghiêm, chống lây lan cộng đồng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu mỗi "pháo đài" phải đảm bảo an sinh xã hội mọi lúc, mọi nơi. Khi người dân cần, người dân gọi thì "pháo đài" là các xã, phường phải đáp, không được để người dân đứt bữa, thiếu ăn.
"Hôm nay tôi đi kiểm tra rất kỹ ở một khu nhà trọ thì thấy có lúc đáp ứng được nhưng cũng có lúc chưa được", Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo địa phương phải đáp ứng yêu cầu y tế cho mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi. Khi người dân cần, người dân gọi thì y tế phải đáp. Như vậy chúng ta cần tăng cường năng lực y tế cho các "pháo đài". Bên cạnh đó phải đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội cho người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội.
Dịch Covid-19 phức tạp, Bình Dương kiến nghị gì?
Tại buổi làm việc với Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ vắc xin để tiêm cho khoảng 2 triệu người ở khu vực "vùng đỏ" trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong thời gian tới, nhiều đoàn chi viện kết thúc hỗ trợ Bình Dương, tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Ngay như hiện tại, Bình Dương đang thiếu hụt nhân lực cho 100 trạm y tế lưu động (mỗi trạm một bác sĩ, 2 điều dưỡng) để ứng cứu ngoại viện cho người dân cần hỗ trợ. Bình Dương đề nghị Bộ Y tế, các địa phương xem xét tiếp tục chi viện cho tỉnh.
Người đứng đầu UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ 50 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 50 bác sĩ chuyên khoa, 100 điều dưỡng hồi sức, cấp cứu có kinh nghiệm; 100 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Hỗ trợ 10 máy thở xâm lấn, 20 máy thở không xâm lấn, 2 hệ thống oxy dòng cao HFNO, 4 máy X-quang di động, 100 máy đo SPO2 cầm tay.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, dự kiến lên 150.000 ca F0 nên nhu cầu kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch tăng nhanh và vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương (dự kiến 12.242 tỷ đồng), do đó Bình Dương tạm tính sẽ thiếu hụt 7.652 tỷ đồng.
Tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, có phương án hỗ trợ cho địa phương số tiền trên. Trường hợp cấp bách, cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển (đầu tư công) năm 2021 và được sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng của tỉnh để bổ sung kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.
Sau khi nghe báo cáo của địa phương, Thủ tướng ghi nhận và đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, tạo điều kiện thuận và chi viện sớm nhất có thể để Bình Dương sớm kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Bộ Y tế sẽ tăng cường nhân lực, vắc xin cho Bình Dương. Ưu tiên người dân "vùng đỏ", người từ 18 tuổi trở lên ở "vùng đỏ" phải được tiêm càng sớm càng tốt, đồng thời phát huy tối đa trạm y tế di động".
Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 86.050 ca mắc Covid-19; có 48.353 người được điều trị khỏi, xuất viện. Tỉnh hiện có 24 khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Các cơ sở đang điều trị 16.349 bệnh nhân, trong đó tầng một có 13.386 bệnh nhân, tầng 2 có 2.191 bệnh nhân và tầng 3 có 772 bệnh nhân.