Thủ tướng nêu đề xuất với Mỹ để đảm bảo "nguồn sống cho nông dân Việt"
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Mỹ hạn chế biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng dệt may, da giầy, đồ gỗ và đặc biệt là nông sản của Việt Nam, bởi đây là nguồn sống của nông dân Việt.
Đề nghị này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra khi tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sáng 20/9 theo giờ địa phương, tại New York (Mỹ). Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế - tài chính và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và sẵn sàng cùng Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển sâu rộng, ổn định, thực chất.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Việt Nam coi hợp tác kinh tế - tài chính - thương mại - đầu tư là ưu tiên của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ.
Cùng với mong muốn Mỹ tiếp tục dành nguồn lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế - tài chính giữa hai nước, Thủ tướng đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Tăng cường đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực chung lợi ích như hạ tầng, dịch vụ tài chính, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vay nợ và viện trợ, thuế quan, thị trường vốn và chứng khoán… cũng là đề xuất được Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, Thủ tướng đề nghị phía Mỹ hạn chế biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng dệt may, da giầy, đồ gỗ và đặc biệt là nông sản - nguồn sống của nông dân Việt Nam.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khẳng định kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, Mỹ và Việt Nam luôn là những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của nhau.
Việt Nam cũng là đối tác chủ chốt trong triển khai chính sách khu vực của Mỹ và hiện Mỹ hợp tác với Việt Nam để tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng khu vực, bởi Việt Nam có tiềm năng trong chuỗi cung ứng về bán dẫn.
Liên quan đến hợp tác tầm khu vực, Thủ tướng mong Mỹ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông đề nghị Mỹ dành thêm nguồn lực, tài chính để hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) Gerd Muller.
Nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam trong xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, nông nghiệp sinh thái bền vững, các ngành dịch vụ đồng bộ, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị UNIDO hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong đó, ưu tiên hoàn thiện và triển khai các chính sách công nghiệp, phát triển công nghiệp phát thải thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Tổng Giám đốc UNIDO cho rằng Việt Nam là hình mẫu phát triển thành công nhất, là đối tác quan trọng của UNIDO với nhiều chương trình hợp tác.
Ông khẳng định sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam về tiết kiệm năng lượng và phi carbon hóa ngành công nghiệp, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm và chuỗi giá trị nông sản, các ngành công nghiệp chế biến…
Ngoài ra, ông Muller nêu đề xuất cùng nghiên cứu khả năng hợp tác ba bên giữa Việt Nam, UNIDO và một nước đang phát triển, để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thành công, UNIDO sẽ hỗ trợ về chuyển giao công nghệ.
Hoài Thu (Từ New York, Mỹ)