Thủ tướng mong người Việt xa xứ tìm đến nơi bình an, không có chiến tranh
(Dân trí) - "Đại sứ quán có trách nhiệm cập nhật tình hình người Việt ở nước ngoài, ví dụ nắm tình hình Hamas - Isarel xem có cần sơ tán bà con hay không", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Biết tin Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến công tác tại Ả-rập Xê-út, nhiều người Việt tại đây đã không ngại đường xa, lặn lội 500-600km đến gặp người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Trong buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và người Việt Nam tại Ả-rập Xê-út chiều tối 20/10 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ông rất xúc động về điều này.
Thúc đẩy ký hiệp định về hợp tác lao động với Ả-rập Xê-út
Báo cáo với Thủ tướng, Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Đặng Xuân Dũng cho biết cộng đồng người Việt tại đây hiện có khoảng 5.000 người, thời điểm cao nhất lên tới 20.000 người nhưng chủ yếu là người đến công tác, làm việc ngắn hạn, không phải định cư lâu dài.
Đại sứ kiến nghị các bộ ngành của Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác về nguồn nhân lực, lao động, nhằm tận dụng thời cơ Ả-rập Xê-út đang triển khai nhiều dự án, cần thu hút nguồn nhân lực lớn.
Đại diện các kỹ sư người Việt làm việc tại CEER, công ty sản xuất xe điện đầu tiên tại Ả-rập, anh Phùng Ngọc Lâm chia sẻ vinh dự khi được đóng góp vào ngành công nghiệp ô tô của nước sở tại.
Anh Lâm mong Việt Nam và Ả-rập Xê-út sẽ có nhiều hợp tác kinh tế, và có nhiều nhà hàng, món ăn của Việt Nam được phổ biến rộng rãi tại đây để người Việt tìm được hương vị quê hương, vơi nỗi nhớ nhà.
Anh Phạm Gia Toàn (làm việc tại một công ty cung cấp dịch vụ dầu khí) sau 17 năm làm việc ở Trung Đông và châu Âu, nhận định Ả-rập Xê-út tới đây có triển vọng tích cực.
"Đây là cơ hội lớn cho cộng đồng người Việt để mở rộng sự hiện diện của Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, bởi Vương quốc này là nước có triển vọng phát triển ở Trung Đông", anh Toàn nói.
Về nguồn nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ đầu năm đến nay, Việt Nam có 143.000 lao động được đưa đi đào tạo, làm việc, học tập ở nước ngoài.
Riêng với Ả-rập Xê-út, Thủ tướng giao Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thúc đẩy ký hiệp định về hợp tác lao động để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động người Việt.
Thông tin về tình hình chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến kết quả và sự đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC.
"Trong Hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất thúc đẩy ba kết nối gồm: Kết nối con người, văn hóa, lao động; kết nối thương mại, đầu tư, du lịch và kết nối hạ tầng, thông qua đầu tư hạ tầng chiến lược", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc tới hệ thống đường giao thông và sân bay, bến cảng được xây dựng trong nước thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh kết quả đó là nhờ tinh thần tự lực, tự cường của đất nước.
Việt Nam đặt mục tiêu xây hơn 2.000km đường cao tốc từ Bắc vào Nam và hơn 3.000 km đến cuối nhiệm kỳ. Song song với đó là đầu tư sân bay, bến cảng và triển khai dự án đường sắt cao tốc.
Nhắc lại thời điểm đầy khó khăn khi đối mặt với chiến tranh, cấm vận, Thủ tướng tự hào chia sẻ Việt Nam đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể, để ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Quan hệ hai nước phát triển tốt là nền tảng cho bà con học tập, làm việc
Về quan hệ song phương Việt Nam và Ả-rập Xê-út, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Quan hệ hợp tác giữa hai nước có nhiều bước tiến và phát triển ngày càng tốt đẹp.
"Đây là những nền tảng quan trọng để bà con tự hào, yên tâm làm ăn, sinh sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, luôn hướng về quê hương và góp phần vun đắp mối quan hệ giữa hai nước", theo chia sẻ của Thủ tướng.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và bà con người Việt ở Ả-rập Xê-út nói riêng. "Đảng, Nhà nước không có mong muốn và mục tiêu nào cao hơn là xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no", Thủ tướng chia sẻ.
Ông cũng nhắc nhở Đại sứ quán Việt Nam tại các nước phải luôn quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để bà con ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
"Đại sứ quán có trách nhiệm cập nhật tình hình, ví dụ nắm tình hình Hamas - Isarel xem có cần sơ tán bà con hay không. Hy vọng bà con tìm đến một nơi bình an, không có chiến tranh", theo chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Dù có chiến tranh hay không, dù thuận lợi hay khó khăn, Thủ tướng nhắc lại Đại sứ quán phải nắm được tình hình người Việt tại nước sở tại, xem bà con xa xứ như người thân ruột thịt của mình để tích cực hỗ trợ giải quyết công việc.
Ông cũng mong cộng đồng người Việt tại đây luôn đoàn kết, chia sẻ, không ngừng mở rộng và hình thành cộng đồng giúp đỡ nhau khi khó khăn.
Hoài Thu (Từ Riyadh, Ả-rập Xê-út)