Thủ tướng: "Mở cửa ra thấy mưa dầm dề là thấy lo"

Thế Kha

(Dân trí) - "Yagi là cơn bão lịch sử, gây hậu quả rất lớn. mở cửa ra thấy mưa dầm dề là thấy lo", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 11/9.

Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, thiên tai đã gây hậu quả rất lớn, dự báo tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa trở ra.

Thủ tướng: Mở cửa ra thấy mưa dầm dề là thấy lo - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp chiều 11/9 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng đã ban hành 6 công điện, liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở… từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất. Đồng thời, Chính phủ thành lập các đoàn do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ở các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết" và "không để ai bị đói, rét, khát, không có chỗ ở".

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức ứng trực 24/24h để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại, trên tinh thần "ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "tương thân, tương ái".

Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục tập trung cứu hộ, cứu nạn với người bị nạn, mất tích; cứu chữa những người bị thương và lo hậu sự cho người xấu số, nhanh chóng ổn định tình hình trong thời gian sớm nhất.

Các cơ quan, địa phương tìm mọi biện pháp, bằng mọi phương tiện đường thủy, đường bộ, hàng không để tiếp cận, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị chia cắt, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men...

Thủ tướng: Mở cửa ra thấy mưa dầm dề là thấy lo - 2

Nước lũ trên sông Hồng dâng cao ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập và có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp. Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét để di dời người dân tới nơi an toàn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm rà soát, tổng hợp thiệt hại và khẩn trương cấp phát dự trữ hỗ trợ người dân; đẩy mạnh cung ứng trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dân sinh, không để thiếu hàng, tránh tình trạng găm hàng, đội giá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng chương trình khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập lụt. Trong đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã khôi phục sản xuất, kinh doanh, sinh kế.

Theo thống kê tại các địa phương, tính đến 17h ngày 11/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc khiến 179 người chết, 145 người mất tích.

Không chủ quan, lơ là

Ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 93/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Công điện gửi các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng.

Công điện nhấn mạnh yêu cầu "không chủ quan, lơ là", huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê.

Thủ tướng yêu cầu rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu...