Thủ tướng: "Không phải cứ dịch bệnh là đóng cửa!"
(Dân trí) - Trước tình hình một số địa phương khó tiêu thụ nông sản vì dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tinh thần là vậy chứ không phải dịch bệnh là đóng cửa".
"Nóng" chuyện tiêu thụ nông sản ở Hải Dương
Sáng 24/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết trong cuộc họp này sẽ nghe báo cáo tình hình kiểm soát tình hình dịch bệnh ở một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội và có ca dương tính gần đây như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Thủ tướng vui mừng cách làm quyết liệt, hiệu quả của các địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Cuộc họp hôm nay cũng chốt lại một số vấn đề, trong đó có chủ trương sớm giải quyết hàng hóa lưu thông ở một số địa phương. Việc tiêu thụ nông sản ở Hải Dương thời gian qua cũng là kinh nghiệm cho các địa phương, nhất là với các địa phương gặp khó khăn về tài chính, ngân sách.
Về vấn đề vaccine, Thủ tướng cho biết đến nay Chính phủ và Bộ Y tế đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị kết luận mua vaccine bằng ngân sách và yêu cầu công khai, minh bạch, kịp thời.
"Đây là mong mỏi của người dân, tiêm trước cho đối tượng ưu tiên và lần lượt cho các đối tượng khác. Một trong những nguyên nhân giảm dịch của các nước là có vaccine", Thủ tướng nói.
Song Thủ tướng cũng lưu ý các ban ngành, địa phương vẫn phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch chứ không phải vì có vaccine mà chủ quan.
Cuộc họp cũng sẽ lắng nghe các địa phương báo cáo về việc mở cửa kinh tế. Tình hình dịch bệnh ở TPHCM và Hà Nội hiện nay cũng đã được kiểm soát, do đó cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép tốt hơn nữa, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
"Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tinh thần là vậy chứ không phải dịch bệnh là đóng cửa", Thủ tướng nói.
Cố gắng có 90 triệu liều vaccine trong năm nay
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, thông tin về việc đàm phán mua vaccine phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, nguồn thứ nhất có khoảng 30 triệu liều; Bộ Y tế đã và đang đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đối tác. Bộ Y tế xin thực hiện quy trình rút gọn để sớm có vaccine, đang đàm phán để có đủ 30 triệu liều trong năm 2021.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ mua 30 triệu liều ở nguồn cung ứng thứ hai; sẽ trình để xin cơ chế đặc biệt để mua với giá đã thỏa thuận.
Bộ Y tế cũng đang đàm phán để mua của nguồn thứ 3 khoảng 30 triệu liều trong năm 2021. Tuy nhiên nguồn vaccine này gặp những khó khăn về bảo quản và sử dụng. Vì vậy, Bộ Y tế xin cho tiếp tục đàm phán và huy động nguồn xã hội hóa để đảm bảo vấn đề tài chính, năng lực, chuyên môn, đẩy nhanh tiến độ cấp vaccine.
"Như vậy có khoảng 90 triệu liều. Còn lại là đang đàm phán 60 triệu liều của Nga có thể cung ứng năm 2021 và một số nguồn khác. Như vậy đảm bảo yêu cầu vaccine trong năm 2021", ông Long nhấn mạnh.
Bộ cũng đang thúc đẩy thỏa thuận vaccine Ấn Độ và một số nước, công ty tư nhân… để đàm phán mua vaccine cho Việt Nam. Huy động nguồn lực xã hội tham gia cung ứng, sử dụng vaccine để tăng độ bao phủ tiêm vaccine.
Ông Long cũng lưu ý mua trực tiếp từ nhà sản xuất để đảm bảo an toàn chứ không qua trung gian.
"Năm 2021 chúng tôi xin đảm bảo không có việc thiếu hụt vaccine. Lần này tiêm số lượng lớn, chúng tôi đang cấp tập chuẩn bị cho kịch bản tiêm. Phương châm là huy động tất cả lực lượng để đẩy nhanh độ bao phủ tiêm vaccine để sớm mở cửa nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bộ Y tế đã trình xin thông qua số lượng mua vaccine trên cơ sở đàm phán và quan điểm mua rẻ trước, mua đắt sau.
"Mua cái có thể bảo quản và sử dụng, tiêm chủng theo thói quen rồi mua cái khó hơn sau", ông Long nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sáng nay 117.000 liều vaccine đã về Việt Nam. Đây là nguồn tạm ứng của đối tác để Chính phủ triển khai tiêm cho các đối tượng ưu tiên.