Thủ tướng: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự"
(Dân trí) - Trong xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thiết kế công cụ tăng cường quản lý hiệu quả song phải kiến tạo cho sự phát triển và tạo điều kiện huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Đây là định hướng trong xây dựng pháp luật được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề sáng 23/9, về xây dựng pháp luật.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung: Dự án Luật Dữ liệu; Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Kết luận chung, Thủ tướng cho biết Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật và cho ý kiến với 11 dự án luật tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.
Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, trong khi thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 8 còn rất ít, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên tối đa thời gian, công sức, trí tuệ, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Trong quá trình xây dựng pháp luật, Thủ tướng lưu ý phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án và cần khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng những vấn đề phát sinh hay nội dung vượt thẩm quyền.
Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm tính khả thi, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.
Ông đồng thời quán triệt cần huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm các khâu trung gian.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng pháp luật thiết kế công cụ tăng cường quản lý hiệu quả phù hợp với điều kiện Việt Nam, song phải kiến tạo cho sự phát triển và tạo điều kiện huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và có công cụ để xử lý những vi phạm của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, trên quan điểm không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng các luật kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành. Những nội dung còn nhiều ý kiến khác, không quy định cụ thể trong dự án luật mà đề xuất giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cụ thể, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội.
Trước đó, cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu (do Bộ Công an chủ trì xây dựng), các đại biểu thảo luận về nội dung liên quan đến khái niệm dữ liệu, kết nối, chia sẻ, thẩm quyền; về ngân sách thực hiện Chiến lược dữ liệu; kết nối, chia sẻ, điều phối dữ liệu…
Về đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (do Bộ Công an chủ trì), các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ chính sách xây dựng, phát triển, quản trị, xử lý dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu, quản lý Nhà nước về dữ liệu; các quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu; các điều kiện, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Ở dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (do Bộ Y tế chủ trì), Chính phủ xem xét các nội dung liên quan đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế; tiêu chí, nguyên tắc sử dụng danh mục thuốc sử dụng khám chữa bệnh cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế…
Trong đề nghị xây dựng Luật Luật sư sửa đổi (do Bộ Tư pháp chủ trì), Chính phủ nhất trí sửa đổi toàn diện Luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền của công dân nhờ luật sư bào chữa.