1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng: “Không hề cắt giảm vốn xây nhà Quốc hội”

(Dân trí) – Trả lời chất vấn của đại biểu về việc chậm tiến độ xây dựng nhà Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ đảm bảo đủ vốn cho công trình, không cắt giảm dù có rất nhiều khó khăn. Công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 5/2013.

Thủ tướng: “Không hề cắt giảm vốn xây nhà Quốc hội” - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Không kịp thời gian trả lời trực tiếp câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 25/11 vừa qua, hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản trả lời gửi đại biểu.

Khi đó, đại biểu Tiến đặt vấn đề, báo cáo xây dựng nhà Quốc hội khẳng định tiến độ hoàn thành kịp phục vụ 1000 năm Thăng Long. Nhưng đến nay, qua lễ kỷ niệm hơn 1 năm mà công trình mới đang nhô lên khỏi mặt đất. “Chính phủ là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trước QH, nguyên nhân và giải pháp để khắc phục chậm tiến độ công trình này? Bao giờ thì hết cảnh lạ đời, Quốc hội họp nhờ một bộ và đại biểu Quốc hội làm việc nhờ ở nhà khách Chính phủ?” – ông Tiến truy vấn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng triển khai công tác thi tuyển phương án kiến trúc và lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án xây dựng nhà Quốc hội theo đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng.

“Ý thức rõ tầm quan trọng của Dự án, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức, xây dựng Nhà Quốc hội, đồng thời bảo đảm đủ vốn, không cắt giảm dù có rất nhiều khó khăn” – người đứng đầu Chính phủ phân trần, việc chậm tiến độ triển khai xây dựng nhà Quốc hội như Đại biểu nêu, nguyên nhân chính là do phải bảo đảm thời gian cho công tác khai quật, khảo cổ.

Thủ tướng cũng khẳng định, đã yêu cầu đơn vị thi công tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng trong tháng 5 năm 2013.

Sẽ xem xét, đánh giá việc đầu tư sân golf

Một vấn đề “nóng” khác các đại biểu đưa ra chất vấn người đứng đầu Chính phủ là việc xây dựng các sân golf, nhất là một số dự án sân golf trong sân bay, trên đất quốc phòng vừa qua. Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) điểm tên sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), sân bay Gia Lâm (Hà Nội), trường bắn Miếu Môn (Hà Nội)… và đặt vấn đề hướng giải quyết đối với tình trạng thiếu bệnh viện, trường học, nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong khi đó lại thừa khu công nghiệp, sân golf.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận thực trạng như đại biểu Dung nêu và khẳng định đó là một thực tế mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, tháo gỡ bằng hệ thống đồng bộ các biện pháp, từ quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch, sử dụng đất đai, bố trí và huy động các nguồn lực đầu tư...

Cùng với việc tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp về vốn, đất đai, thuế… nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng, phát triển trường học, bệnh viện, nhà ở cho người có thu nhập thấp; quản lý chặt chẽ quỹ đất và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội trong các dự án phát triển đô thị mới.

Việc phát triển các khu công nghiệp và sân golf, ông Dũng lý giải là việc đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và Quy hoạch sân gôn đến năm 2020 Thủ tướng ký đã tính tới việc đảm bảo diện tích đất trồng lúa 3,8 triệu ha. Sắp tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết 20 năm đầu tư, phát triển khu công nghiệp nhằm có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển khu công nghiệp hiệu quả hơn.

“Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, giám sát đầu tư sân golf, đảm bảo môi trường, không lấy đất trồng lúa để làm sân golf; đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, đánh giá việc đầu tư sân golf, trình Thủ tướng xem xét” – người đứng đầu Chính phủ quả quyết.

P.Thảo