1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ tướng “khai tử” nhiều chương trình, dự án xé lẻ nguồn lực đầu tư

(Dân trí) - Hiện có 16 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo hoàn thành dứt điểm 14 chương trình trong số này trong năm 2015 để đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang, không mở thêm các dự án đầu tư mới.

Cắt hẳn 14 chương trình mục tiêu quốc gia sau 2015

Ngày 5/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Chỉ thị về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020.

Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tổ chức lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo các căn cứ, bao gồm tình hình và kết quả thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011-2015, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của cả nước, ngành, lĩnh vực và địa phương; Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt; các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công.
Thủ tướng “khai tử” nhiều chương trình, dự án xé lẻ nguồn lực đầu tư
Sẽ chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia được giữ lại sau năm 2015 là chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Chỉ thị yêu cầu nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan phấn đấu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014. Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1/1/2015, các Bộ, ngành và địa phương bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu để đảm bảo nguồn vốn cho các công trình thực sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 không tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư dở dang, không mở thêm các dự án đầu tư mới.

Chỉ thị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2015.

Cắt giảm thủ tục thuế, hải quan

Cũng trong ngày 5/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Theo Chỉ thị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 19 ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng đẩy mạnh cải cách những thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan.

Các Bộ ngành cũng phải phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, chống chuyển giá và quản lý thu thuế khoán quyết liệt, hiệu quả hơn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014; đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương; cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hậu kiểm.

Về quy trình, thủ tục kê khai, nộp thuế, Chỉ thị yêu cầu giảm thời gian kê khai, nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6; phấn đấu cuối năm 2014 có 95% số doanh nghiệp khai thuế điện tử, 15/63 địa phương thực hiện nộp thuế điện tử và 63/63 địa phương triển khai trong năm 2015; cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm).

Ngoài ra, Chỉ thị cũng yêu cầu công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính thuế, hải quan trên mạng internet; triển khai có hiệu quả mô hình một cửa liên thông; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan; tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại; và chấn chỉnh, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp mới; Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định về việc phối hợp trong việc thanh tra tại doanh nghiệp đảm bảo tránh trùng lắp, chồng chéo với thanh tra thuế, hải quan. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình, thủ tục hành chính thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đến cuối năm 2014 cắt giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế so với hiện nay.

P.Thảo