1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng: Kết nối, cạnh tranh, cộng đồng là chiến lược cho tiểu vùng Mekong

(Dân trí) - “Tiểu vùng Mekong phát triển thịnh vượng, gắn kết và hài hoà sẽ chỉ đạt được với chiến lược 3C - kết nối, cạnh tranh, cộng đồng” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5 (GMS 5).

Nhà lãnh đạo các nước tại Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5.
Nhà lãnh đạo các nước tại Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5.
Hội nghị được khai mạc hôm nay, 20/12, tại Thủ đô Bangkok, do Thái Lan làm chủ nhà đăng cai tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo GMS là Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Campuchia Samdech Hunsen, Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong, Tổng thống Myanamar Thain Sein và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao đã tham dự Phiên khai mạc.

Với mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện trong khu vực GMS, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã nhấn mạnh đến việc ưu tiên triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Khung đầu tư tiểu vùng (RIF) giai đoạn 2012-2022 với 92 dự án lớn và số vốn lên đến 30 tỷ USD nhằm đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và kết nối 320 triệu dân của khu vực.

Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã đưa 7 lĩnh vực quan trọng để thực hiện việc kết nối GMS, bao gồm: Kết nối về vận tải; kết nối hạ tầng giao thông; lưu thông hàng hóa qua biên giới; truyền tải điện; hợp tác về kinh tế, vốn, tài chính; thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và hợp tác ứng phó với những thách thức môi trường, thiên tai.

Cũng trong phiên khai mạc, phát biểu của các nhà lãnh đạo GMS đều nhấn mạnh đến yếu tố kết nối hạ tầng và thuận lợi hóa thương mại như là những điều kiện quan trọng để thúc đẩy hợp tác GMS và hình thành cộng đồng GMS trong tương lai.

Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong cho rằng ưu tiên là đầu tư hình thành các tuyến đường giao thông và biến chúng thành những hành lang kinh tế đồng thời với việc loại bỏ các rào cản dòng lưu chuyển hàng hóa và con người xuyên biên giới.

Tổng thống Thain Sein cho biết Myanmar sẵn sang cho các dự án kết nối giao thông trên 2 tuyến hành lang Đông Tây và Hành lang phía Nam, kết nối Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam; kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Tổng thống Thain Sein cũng không quên nhấn mạnh để GMS có tính kết nối và cạnh tranh cao, phát triển bền vững, các nước trong khu vực cần hợp tác để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia và an ninh nguồn nước.

Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh tới hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước và đề nghị các nước GMS sớm ký Hiệp định vận tải xuyên biên giới.

Đáp lại nhu cầu và kêu gọi của các nước GMS thuộc ASEAN, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhanh chóng có những cam kết mạnh mẽ về tài chính gồm 5 tỷ USD cho GMS ngay trong năm 2015, chủ yêu dành cho xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra còn 1 tỷ USD cho các dự án kết nối, 10 tỷ USD cho Quỹ phát triển ASEAN và 11 tỷ USD cho 26 dự án hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng. Ông Lý Khắc Cường cũng thông báo vừa đạt thỏa thuận về việc xây dựng tuyến đường sắt hiện đại dài 800 km nối Trung Quốc với Thái Lan ngay trước Hội nghị này. Ngoài ra Trung Quốc cũng hứa sẽ tăng cường mua gạo và cao su của Thái Lan và cho rằng nước này sẽ là thị trường hàng nông sản lớn nhất của các nước GMS.

Bên cạnh hợp tác về kinh tế và kết nối khu vực, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng không quên nhắc lại quan điểm của Trung Quốc là tôn trọng và cam kết đối với hòa bình hữu nghị và ủng hộ hòa bình trong khu vực trên tinh thần láng giềng, hữu nghị. Ông khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN và các nước Tiểu vùng Mekong và cho rằng muốn phát triển phải có hòa bình và ổn định.

Ông Lý Khắc Cường cũng nhắc đến việc các quốc gia của khu vực đều chung dòng song Mekong, gẫn gũi về địa lý và văn hóa, có thể bổ trợ với nhau về kinh tế, do đó, nước này sẽ hợp tác với các nước khu vực để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, cam kết sử dụng khoa học nguồn nước và sẵn sang chia sẻ số liệu về khí tượng thủy văn của dòng sông Mekong.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc GMS 5.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc GMS 5.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng sau gần hai thập kỷ hoạt động, hợp tác GMS đã  đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các nước thành viên, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, sự chuyển động nhanh chóng của kinh tế khu vực và thế giới, sự xuất hiện của những thách thức phi truyền thống cũng như những bài học rút ra từ quá trình phát triển kinh tế của các nước thành viên thời gian qua đòi hỏi một cách tiếp cận mới, toàn diện và linh hoạt hơn cho hợp tác GMS.

Tiểu vùng Mekong phát triển thịnh vượng, gắn kết và hài hoà sẽ chỉ đạt được nếu Chiến lược 3C - kết nối, cạnh tranh, cộng đồng - được đặt trong mục tiêu tổng thể phát triển bền vững và toàn diện của Tiểu vùng Mekong. Hợp tác GMS cũng cần hỗ trợ một cách hiệu quả cho các nước Mekong trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức chung.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc cần bảo đảm sự cân bằng giữa ba yếu tố kinh tế - con người - môi trường trong hợp tác GMS.

Suy thoái môi trường có thể triệt tiêu những thành quả về kinh tế và phát triển con người; ngược lại những chính sách kinh tế xã hội đúng đắn không chỉ giúp bảo tồn mà còn phát huy tiềm năng của thiên nhiên phục vụ con người” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đồng thời cho rằng trong quá trình phát triển, Tiểu vùng Mekong đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến môi trường, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và thiên tai. Việc nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc những thách thức này sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp phù hợp.

Cùng với Ủy hội sông Mekong (MRC), hợp tác GMS - cơ chế duy nhất hiện nay có sự tham gia của tất cả các nước ven sông Mekong - có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước thành viên nâng cao năng lực và phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong” - Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh sự chân thành và thực tâm hợp tác giữa các nước thành viên là điều không thể thiếu để tạo dựng tinh thần cộng đồng GMS, xây dựng quan hệ bền vững, lâu dài. Tăng cường đối thoại thực chất giữa các thành viên GMS cả về cơ hội cũng như thách thức, cả điểm đồng cũng như điểm khác biệt sẽ giúp nâng cao hiệu quả hợp tác GMS.

Tôi muốn nhấn mạnh đến điều đã gắn kết tất cả chúng ta ở đây - đó là dòng sông Mekong. Chúng ta hãy cùng nhau có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo tồn những giá trị tốt đẹp gắn với dòng sông để sông Mekong luôn là kết nối bền chặt của tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông. Tôi tin rằng, với cam kết của các Chính phủ, sự ủng hộ của người dân và sự đồng hành của ADB, hợp tác GMS sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một Tiểu vùng Mekong thịnh vượng, hoà bình và phát triển bền vững” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc bài phát biểu của mình.
 
Thủ tướng phát biểu tại phiên khai mạc GMS 5.
Thủ tướng phát biểu tại phiên khai mạc GMS 5.

GMS được hình thành từ năm 1992. Từ năm 1993 đến năm 2013, 60 tỷ USD đã được đầu tư vào GMS trong đó các đối tác phát triển đóng góp 12 tỷ USD với 69 dự án lớn, chủ yếu là giao thông, năng lượng đã hoàn thành. Bước vào thập kỷ thứ 3 hợp tác GMS, các nhà lãnh đạo đã đưa ra chiến lược mới cho phát triển tiểu vùng với việc phê duyệt Khung đầu tư tiểu vùng giai đoạn 2012-2022 gồm 92 dự án lớn và nhu cầu vốn lên đến 30 tỷ USD, trong các dự án này, lĩnh vực giao thông chiếm 90% số dự án với số vốn trên 27 tỷ USD. Tại Hội nghị, các đối tác tài trợ, trong đó có ADB cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và tài trợ cho các nước GMS.

Mặc dù hợp tác GMS đã có những bước phát triển mạnh mẽ với tăng trưởng kinh tế cao và đời sống người dân được cải thiện đáng kể, song các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực đều lo ngại và cảnh báo sự phát triển bền vững của khu vực do việc khai thác tài nguyên thiếu kiểm soát, hệ sinh thái bị phá vỡ, đói nghèo, bất bình đẳng giới vẫn vẫn còn lớn, thiếu hụt nguồn nhân lực và lao động có kỹ năng… trong khi 40% đất đai trong GMS là cho nông nghiệp và 60% dân số làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy để phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho người dân, nhiều ý kiến đại diện cho các tổ chức phát biểu tại Hội nghị đều nhấn mạnh phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, nguồn nước là rất quan trọng trong hợp tác GMS và các thách thức chỉ có thể được giải quyết bởi sự hợp tác của chính các quốc gia trong khu vực.

P.Thảo