Thủ tướng họp các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đốc thúc sản xuất vắc xin nội

Phương Thảo

(Dân trí) - Chiều 23/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin, đơn vị thử nghiệm lâm sàng nhằm thúc đẩy sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trong nước.

Thủ tướng họp các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đốc thúc sản xuất vắc xin nội - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Tham gia cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 từ đầu cầu truyền hình trực tuyến tại TPHCM. Phó Thủ tướng đang trong chuyến công tác, kiểm tra tình hình chống dịch Covid-19 tại các tỉnh thành phía Nam, vùng tâm dịch Covid-19 hiện nay.

Đây là cuộc họp lần thứ 2 của lãnh đạo Chính phủ với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong hơn một tháng qua. Cuộc làm việc lần trước diễn ra khi vắc xin phòng Covid-19 nội Nanocovax bước vào hoạt động thử nghiệm giai đoạn 3. Đến cuộc làm việc lần này, Nanocovax đã hoàn thành hoạt động thử nghiệm với trên 13.000 người.

Thủ tướng họp các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đốc thúc sản xuất vắc xin nội - 2

Quang cảnh cuộc họp tại Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước cuộc họp của Thủ tướng, chiều qua, 22/7, Bộ Y tế và Bộ Khoa học & Công nghệ cũng vừa tổ chức cuộc họp rà soát các hồ sơ, dữ liệu, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax. Căn cứ trên dữ liệu nghiên cứu, đánh giá chung, vắc xin có an toàn, có tính sinh miễn dịch tốt, nhưng chưa đủ thời gian để đánh giá về hiệu lực (thời gian mà người tiêm có thể được bảo vệ sau khi tiêm đủ liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Lãnh đạo Bộ Y tế đã tính tới việc xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp đối với vắc xin Nanocovax khi kết quả cho thấy an toàn, hiệu quả, chặt chẽ, khoa học…

Yêu cầu sản xuất vắc xin trong nước được cấp thiết đề ra trong bối cảnh đợt bùng phát dịch thứ 4 đang diễn biến căng thẳng, phức tạp tại Việt Nam mà nguồn vắc xin nhập khẩu hết sức khan hiếm, khó khăn. Dù các cơ quan đã ký được hợp đồng, cam kết với nhiều đối tác nước ngoài để có khoảng 150 triệu liều vắc xin nhưng tiến độ giao hàng về Việt Nam không được đảm bảo, chậm hơn nhiều so với kế hoạch.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam mới tiếp nhận được khoảng 10 triệu liều vắc xin, tiêm được cho hơn 4 triệu người, đạt tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Trong ngày hôm nay, 23/7, 1,2 triệu liều AstraZeneca vừa được chuyển giao thêm cho Việt Nam (thuộc lô 31 triệu liều VNVC ký hợp đồng mua) và dự kiến 2 ngày tới, 3 triệu liều Moderna do Mỹ viện trợ cũng sẽ về tới Hà Nội.