Thủ tướng gợi ý 5 yếu tố phát triển đột phá cho tỉnh có GRDP cao nhất nước
(Dân trí) - Đề cập đến 5 yếu tố quan trọng, người đứng đầu Chính phủ đặt mục tiêu cho Khánh Hòa là phải phát triển đột phá trong những năm tới, trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng và cả nước.
Những định hướng quan trọng cho tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiều 1/4.
Khánh Hòa là địa phương có GRDP cao nhất cả nước với mức tăng 20,7%; bình quân đầu người đạt 76,5 triệu đồng, tăng 22,3%; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 16.500 tỷ đồng, vượt 37,3% dự toán…
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả tích cực mà địa phương đạt được, song ông lưu ý Khánh Hòa cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của tỉnh, sự quan tâm của Trung ương.
Khẩn trương hoàn thiện đề án về huyện đảo Trường Sa
Định hướng thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Khánh Hòa phải phát triển đột phá trong những năm tới, trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng và cả nước.
5 yếu tố được Thủ tướng gợi mở để tạo động lực tăng trưởng cho Khánh Hòa gồm: Có vị trí đặc biệt, chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, kết nối các vùng trên cả nước; có hạ tầng tương đối đồng bộ với 5 phương thức vận tải; có tương đối đầy đủ, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng; có điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh; có bề dày lịch sử hào hùng, truyền thống và bản sắc văn hóa phong phú, con người cần cù, chịu khó và thông minh.
Ngoài ra, Khánh Hòa cũng là tỉnh có bờ biển dài nhất Việt Nam, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn, trong đó có quần đảo Trường Sa, có 3 vịnh lớn. Vì thế, Thủ tướng lưu ý địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh.
Lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa làm tốt công tác xây dựng quy hoạch; điều chỉnh và thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội, xây dựng mô hình đô thị thông minh…
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhắc các đơn vị trên địa bàn phải cùng tham gia để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chung tay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại giá, cơ cấu lại các phân khúc nhà ở, các ngân hàng hỗ trợ về vốn, các địa phương tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, làm tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất…
Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các địa phương trong, ngoài nước, các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, lợi thế và bổ trợ, cộng hưởng lẫn nhau.
Đặc biệt, tỉnh cần triển khai đồng bộ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; hoàn thiện, trình Thủ tướng đề án Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, khu vực phòng thủ vững chắc, trong quý III/2023..
Khởi công cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa trước tháng 6
Thủ tướng yêu cầu tỉnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình cấp thiết, trọng điểm theo hướng kết nối, liên thông và đa mục tiêu, nhất là các dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý tỉnh làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về bảo đảm vật liệu cho các dự án. "Dứt khoát phải khởi công cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa trước tháng 6", theo yêu cầu của Thủ tướng.
Ông cho rằng Khánh Hòa cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP), tập trung thu hút vào 3 vùng động lực kinh tế của tỉnh gồm: Khu kinh tế Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay, Thủ tướng nhắc địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp…
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án của cơ quan chức năng. Từ đó, đề xuất giải pháp với cấp có thẩm quyền trên tinh thần không hợp pháp hóa cái sai nhưng xử lý các vướng mắc, giải phóng nguồn lực phát triển.