1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng "không chịu về đích"

Quốc Anh

(Dân trí) - Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng đã thi công 96% nhưng phải tạm ngưng vì vướng mắc phương án thanh toán.

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ diễn ra chiều 31/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo Thủ tướng về việc giải quyết vướng mắc cho dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng.

Thủ tướng gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng không chịu về đích - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ chiều 31/3 (ảnh: Quốc Chính).

Theo ông Mai Tiến Dũng, dự án được hình thành trong bối cảnh nhu cầu về giải quyết triều cường, ngập úng khi mưa lớn tại TPHCM là rất cấp thiết. Do nhu cầu về vốn là quá lớn, gần 10.000 tỷ đồng nhưng nguồn vốn Nhà nước không đủ đáp ứng nên dự án được áp dụng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Vì vậy, tại thông báo số 285 ngày 20/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất. Trường hợp giá trị thanh toán bằng quỹ đất nhỏ hơn giá trị hợp đồng BT thì TPHCM được thanh toán bằng ngân sách của TP phần chênh lệch.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vướng mắc chính của dự án liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Cụ thể, tại Nghị định 15/2015 và Quyết định 23/2015 quy định thực hiện thanh toán dự án BT bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và quỹ đất thanh toán.

"Mặc dù Nghị định 15 và Quyết định 23, thông báo 285 của Chính phủ không quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền nhưng việc UBND TPHCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% giá trị dự án BT là chưa hoàn toàn phù hợp", ông Dũng nói.

Nghị định 15 quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn Nhà nước trước khi phê duyệt đề xuất dự án PPP. Tuy nhiên tại thời điểm đó, UBND TP có báo cáo và được HĐND TPHCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.

Thủ tướng gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng không chịu về đích - 2

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá gần 10.000 tỷ đồng đã thi công trên 96% khối lượng.

Dự án khởi công năm 2016 song do phát sinh vướng mắc, UBND TPHCM có văn bản xin "gỡ vướng" để tiếp tục triển khai dự án và đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì họp, tổng hợp đề xuất Chính phủ phương án xử lý.

Theo ông Mai Tiến Dũng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư để làm rõ hơn cơ sở pháp lý và 2 bộ thống nhất việc Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc cho dự án là "có cơ sở và thuộc thẩm quyền của Chính phủ".

"Đây là dự án cấp thiết của TPHCM, đã thực hiện trên 96% nên nếu để chậm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nhất là môi trường, lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc tiếp tục triển khai thực hiện, sớm hoàn thành để phát huy hiệu quả đầu tư dự án là cần thiết", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Liên quan đến dự án này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết báo cáo của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã phân tích, mô tả chính xác tình hình dự án. Theo ông, vướng mắc pháp lý đã rõ ràng, việc nào chưa đúng cũng được phân tích rõ.

"Chúng tôi cũng thống nhất đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư là trong thời gian qua, một số cơ quan, một số đồng chí ở TPHCM đã thực hiện chưa đúng quy định pháp luật. Cụ thể là Nghị định 15 và Quyết định của Thủ tướng", ông Long nói. 

Theo Bộ trưởng Tư pháp, dự án đã diễn ra trong một thời gian dài, nếu xem xét lại toàn bộ quyết định và ra các quyết định hồi tố về mặt hành chính là không khả thi. Trước tình hình này buộc Chính phủ phải có một giải pháp tình thế để xử lý những vướng mắc là phù hợp về mặt thẩm quyền.

"Giải quyết tình huống bằng Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất trong Nghị quyết của Chính phủ có nội dung xem xét trách nhiệm của những người có liên quan trong việc làm các thủ tục thông qua dự án và thực hiện cho đến bây giờ", ông Long nói.

Thủ tướng gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng không chịu về đích - 3

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp sớm có văn bản báo cáo để sớm ra Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho dự án trong ngày 1/4 (ảnh: Quốc Chính).

Kết luận về phương hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan dự án này.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tinh thần lớn nhất của dự án là yêu cầu làm đúng quy định pháp luật; chống thất thoát lãng phí, đặc biệt là phát huy hiệu quả công trình. Vì vậy, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, giám sát chịu trách nhiệm sự an toàn, hiệu quả dự án này.

"Đừng bao giờ đổ rằng công trình không có hiệu quả là do Chính phủ trước vì các đồng chí là người duyệt dự án này", Thủ tướng nói.

Thủ tướng gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng không chịu về đích - 4

Dự án thi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa thể "về đích".

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu TPHCM phải thực hiện kiểm toán, quyết toán đúng quy định; loại bỏ những bất hợp lý, chống thất thoát, lãng phí.

"Chính phủ sẽ tháo gỡ khó khăn nhưng TPHCM phải thực hiện thanh toán, quyết toán đúng quy định pháp luật", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp sớm có văn bản báo cáo để sớm ra Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc cho dự án trong ngày 1/4.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM được khởi công từ tháng 6/2016. Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40-160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định.

Ngoài ra, dự án chống ngập do triều còn có hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến Sông Kinh) dài 7,8km, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ từ 1-10m.

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành tháng 6/2019, tuy nhiên do vướng mắc, khó khăn liên quan mặt bằng, vật liệu, giải ngân nguồn vốn... nên có thời gian bị đình trệ. Sau thời gian thi công trở lại thì từ tháng 11/2020 dự án lại tạm ngưng vì vấn đề pháp lý và nguồn vốn.