1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thủ tướng giải đáp tình trạng tinh giản mà bộ máy vẫn phình to

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận biên chế khối cơ quan hành chính nhà nước tăng thêm gần 37.000 người trong 7 năm qua, biên chế viên chức tăng nhanh 68.000 người trong 4 năm gần đây. Trong các nguyên nhân có việc quản lý biên chế chưa chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng) gửi chất vấn tới Thủ tướng với nội dung, nhà nước đã nhiều lần chủ trương thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhưng biên chế không những không giảm mà ngày càng phình to. Nữ đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân của tình trạng này. Thủ tướng và Chính phủ nói chung có trách nhiệm gì? Cần áp dụng giải pháp như thế nào để có một bộ máy tinh giản, hiệu quả?

Trong văn bản hồi âm, Thủ tướng khẳng định, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng và đạt một số kết quả. Đã có trên 69.000 người (69.269 cán bộ, công chức, viên chức) ra khỏi biên chế theo các chính sách nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc, chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách.
 
Thủ tướng: Chính phủ vẫn thực hiện nghiêm chủ trương cơ bản không tăng biên chế cho đến hết 2016.
Thủ tướng: "Chính phủ vẫn thực hiện nghiêm chủ trương cơ bản không tăng biên chế cho đến hết 2016".

Tuy vậy, biên chế cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên (không kể Công an, Quân đội) tăng từ 346.379 người năm 2007 lên 396.371 người năm 2014 (tăng 49.992 người, tương đương tỷ lệ 14,43%). Nguyên nhân chủ yếu là do bổ sung chức năng nhiệm vụ, thành lập mới tổ chức để tăng cường quản lý nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực và chia tách đơn vị hành chính.

Nếu chỉ tính riêng khối cơ quan hành chính nhà nước thì số biên chế tăng từ 238.668 năm 2007 lên 275.620 năm 2014 (tăng 36.952 người, tỷ lệ 15,48%).

Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay là trên 1,2 triệu người. Trong đó, cán bộ cấp xã trên 145 nghìn người (bình quân 13 người/xã); công chức là 111,5 nghìn người (bình quân 10 người/xã); người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 229,6 nghìn người (bình quân 20,3 người/xã); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là gần 730 nghìn người (bình quân 66 người/xã).

Biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2,31 triệu người năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do thành lập mới, nâng cấp các đơn vị sự nghiệp công đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc quản lý biên chế chưa chặt chẽ.

Tổng số viên chức hiện tại là 2,3 triệu người, trong đó biên chế sự nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tăng từ 1,49 triệu người năm 2007 lên 2,07 triệu người năm 2014 (tăng gần 583.000 người, tỷ lệ 39,11%). Biên chế sự nghiệp do các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn tự quyết định là 239.256 người.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã xây dựng, trình Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai Đề án này sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận 63-KL/TW, cơ bản không tăng tổng biên chế cho đến hết năm 2016, trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

Chính phủ cũng đẩy mạnh thực hiện đề án xác định vị trí việc làm, xác định biên chế và tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Có phương án xử lý phù hợp đối với các cơ quan, đơn vị có biên chế vượt quy định. Sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế sự nghiệp. Tập trung đổi mới cơ chế hoạt động, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hoá, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy công chức cấp xã theo hướng quy định số lượng phù hợp, tăng cường kiêm nhiệm, khoán phụ cấp, khuyến khích hình thức tự quản, bảo đảm ổn định hệ thống chính trị cơ sở.

3 năm, lương tăng 57,5%
Một trong những nguyên nhân việc cải cách tiền lương khó thực hiện là do biên chế bộ máy quá lớn.
Một trong những nguyên nhân việc cải cách tiền lương khó thực hiện là do biên chế bộ máy quá lớn.

Liên quan đến vấn đề bộ máy nhân sự, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cũng chất vấn Thủ tướng về những giải pháp khắc phục bất cập trong sử dụng và đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức.

Trở lại Kết luận 63 của Trung ương đã nêu ở trên, Thủ tướng cho biết, căn cứ chủ trương cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020, Thủ tướng đã giao Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công nghiên cứu xây dựng các Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp khi có đủ điều kiện thực hiện.

Trong thời gian chờ Trung ương thông qua Đề án cải cách tiền lương này, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét từng bước điều chỉnh tiền lương.

Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, kết quả, mức lương đã tăng từ 730.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng (tương đương tỷ lệ tăng thêm là 57,5%).

Tuy nhiên, mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng hiện nay, Thủ tướng xác nhận, vẫn còn thấp. Đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại. Tỷ lệ thu ngân sách giảm trong khi nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2% nên khó bố trí nguồn cho cải cách tiền lương.

Để giải quyết khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước có thu nhập thấp, năm 2015, phương án Chính phủ đề xuất tăng 8% lương hưu và lương với người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo nguồn điều chỉnh tăng lương trong thời gian tới. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tăng cường quản lý thu và triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm tối đa chi thường xuyên ngoài lương để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy và các giải pháp tạo nguồn như cơ cấu lại chi ngân sách cùng với việc điều chỉnh lại các chính sách theo quan điểm ưu tiên chi cho cải cách tiền lương, chi cho con người. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm