Thủ tướng đồng ý cho điều chỉnh địa giới tại 8 tỉnh thành
(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về chủ trương đối với việc điều chỉnh địa giới, tăng đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 8 địa phương.
Kết luận tại cuộc họp cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nội vụ phối hợp với UBND các tỉnh xây dựng đề án của Chính phủ điều chỉnh tăng đơn vị hành chính đáp ứng đủ tiêu chí, phù hợp với quy hoạch của cấp xã, cấp huyện.
Nội dung của Đề án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành, trong đó làm rõ tình chất đặc thù, đánh giá về tác động khi điều chỉnh địa giới và giải pháp khắc phục; các phương án bảo đảm tiêu chí còn thiếu để đủ điều kiện theo quy định hiện hành; hướng dẫn cụ thể hình thức lấy ý kiến nhân dân, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Sông Đốc và các phường thuộc thị xã Sông Đốc; thành lập thị xã Năm Căn và các phường thuộc thị xã Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Thủ tướng cũng cho phép điều chỉnh địa giới hành chính huyện Duyên Hải để thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bù Gia Mập để thành lập huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.
Đối với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 xã mới Thanh Xuân và Kim Ngọc thuộc huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng; xã Đảo Trần thuộc huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; 2 xã Đắk Ôn và Đắk Non thuộc huyện Đắk Glei và thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với UBND các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Kon Tum khi xây dựng đề án của Chính phủ cần phân tích, đánh giá, làm rõ tính chất đặc thù về địa bàn an ninh quốc phòng, bảo đảm chủ quyền biên giới lãnh thổ và phương hướng bảo đảm hoàn thành các tiêu chí còn thiếu.
Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã mới thuộc tỉnh Hà Tĩnh, do địa phương còn thiếu nhiều tiêu chí theo quy định hiện hành và còn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận trong nhân dân nên Thủ tướng chưa đồng ý đề xuấtnày.
Thủ tướng cho lùi dự án luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng Dự án Luật hành chính - kinh tế đặc biệt với định hướng nhằm tạo khung pháp lý cho việc hình thành các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các quy định mang tính chất đặc thù về mô hình tổ chức bộ máy hành chính; phương thức đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển vượt trội so với quy định hiện hành và các chính sách, ưu đãi của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán; các quy định nhằm áp dụng cho các khu vực phát triển kinh tế có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, có khả năng cạnh tranh quốc tế về thể chế hành chính và môi trường đầu tư. Các vấn đề đặt ra ở Việt Nam đều chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, chưa được nghiên cứu, đánh giá toàn diện và còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt về tính khả thi của mô hình này khi thể chế hoá trong Dự án Luật. Với yêu cầu đặt ra như vậy, Thủ tướng nhận định cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vấn đề nêu trên, đặc biệt là về thể chế và mô hình phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để có cơ sở xây dựng Dự án Luật. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo UB Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị lùi thời gian trình Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp. |
P.Thảo