1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Thủ tướng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất

Thúy Diễm

(Dân trí) - Trực tiếp đối thoại với Thủ tướng, các nhóm nông dân đã nêu ra những khó khăn, thách thức trong tình trạng hiện nay và mong muốn Thủ tướng có những giải pháp cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Có xóa bỏ, thay thế cây cà phê?

Ngày 28/9, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân.

Thủ tướng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, trực tiếp đối thoại với hơn 300 nông dân đến từ các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Thường trực Chính phủ; đại diện các Ban của Đảng, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Bộ trưởng, Trưởng ngành; Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các Ban, đơn vị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp...

Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu nông hộ của cả nước.

Trước thềm hội nghị, Ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 1.500 câu hỏi khác nhau mà nông dân, doanh nghiệp… gửi tới, mong muốn được Thủ tướng giải đáp.

Đại diện cho nông dân, ông Đỗ Quý Toán (ngụ huyện Krông Ana, Đắk Lắk) bày tỏ, trong thời gian vừa qua giá cả cà phê xuống rất thấp, nông dân rất trăn trở âu lo có xu hướng chặt bỏ cây cà phê để trồng qua cây trồng khác.

Đồng thời, mong muốn Thủ tướng cho biết Chính phủ có định hướng chuyển đổi đối với cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên là cây cà phê hay không?

Thủ tướng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - 2
Nông dân gửi những câu hỏi thiết thực đến Thủ tướng để được giải đáp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải khẳng định cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, chất lượng cà phê Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng rõ ràng, nông dân không được phá rừng rừng tự nhiên để trồng cà phê. Nhà nước cũng nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê, tổ chức thâm canh có chất lượng đối với cây cà phê.

“Về phía Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. Đẩy mạnh chế biến sâu nâng cao chất lượng sản phẩm. Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng, nên phải gìn giữ và đẩy mạnh chế biến sâu”, Thủ tướng nêu rõ.

Bà Trần Thị Hoàng Anh (ngụ tại Gia Lai) đặt ra câu hỏi, hiện tình trạng phân bón giả vẫn còn tràn lan gây ảnh hưởng xấu đến nền nông nghiệp và chính phủ có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng phân bón giả?

Trước câu hỏi này, Thủ tướng bày tỏ quan điểm “Tôi đề nghị công an phải điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc những đại lý, tổ chức, cá nhân tiêu thụ phân bón giả và lên án hành vi tiêu cực này”.

Nông dân Vũ Văn Thủy (tỉnh Đắk Nông) cho rằng, khoảng 10 năm trước Tây Nguyên là mảnh đất trù phú, đời sống người dân rất phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng đất đai hoang hóa, người dân bỏ vùng đi nơi khác làm thuê nhiều. Người dân mong muốn Chính phủ có biện pháp giúp nông dân an tâm sản xuất.

Thủ tướng cho biết, di dân là quy luật phụ thuộc vào việc làm, thu nhập, đời sống vật chất văn hóa địa phương. Do đó, phải giải quyết các vấn đề về thu nhập và phải giúp người dân có việc làm.

“Tôi đề nghị chính quyền địa phương có những phương án hiệu quả để giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân, tạo cho họ có kế sinh nhai, con em được học hành”, Thủ tướng nêu rõ.

Nông nghiệp, nông thôn luôn là trụ đỡ của đất nước”

Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi của nông dân đề cập đến các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cả nước; khó khăn vướng mắc cho nông dân về vốn vay phục vụ sản xuất.

Thủ tướng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - 3
Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp bền vững

Nhiều nông dân bày tỏ trăn trở về việc sau dịch Covid-19, tình trạng thủy sản, hải sản, đánh bắt và nuôi trồng ở khu vực đang khó tiêu thụ, ùn ứ hàng hóa ở thị trường nội địa; giá các mặt hàng nông sản, trái cây chủ lực xuất khẩu giảm sâu. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, nhất là chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm xuất khẩu...

Riêng ở khu vực Tây Nguyên, nông sản, trái cây chủ lực của vùng đang mất giá nghiêm trọng, khó tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Tình hình dịch bệnh bạch hầu đang hoành hành tại Tây Nguyên; các vấn đề về tái canh cà phê; thu hút đầu tư… được các nông dân gửi gắm đến Thủ tướng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện có tới 65% nông dân sinh sống ở nông thôn, trong vấn đề đầu tư phát triển nhân lực, cần phát huy thế mạnh này. Cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần nông nghiệp, nông thôn Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng đất nước, hay dịch bệnh Covid-19…

“Dịch bệnh Covid-19 xảy ra nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng được nhờ có trụ đỡ quan trọng là nông nghiệp, nông thôn. Năm nay, vì xảy ra  dịch Covid – 19, không ít lao động bị mất việc làm. Tuy nhiên lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hầu như không bị thất nghiệp, trong khi ở thành thị, người thất nghiệp rất nhiều… Đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt tới 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu châu Á về xuất khẩu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - 4
Thủ tướng có những chỉ đạo kịp thời trong Hội nghị đối thoại với nông dân

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề cập việc phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường của nông dân; suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, từ đó giải quyết tốt các vấn đề ở nông thôn, nông dân...

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục những bất cập trước diễn biến của đại dịch Covid-19, phát huy sự sáng tạo của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh ngành nông nghiệp.