Thủ tướng đề xuất 5 kết nối chiến lược tại Hội nghị BRICS mở rộng ở Nga
(Dân trí) - Nguồn lực, hạ tầng, các chuỗi cung ứng toàn cầu, con người và cải cách cơ chế toàn cầu là 5 kết nối chiến lược được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất khi phát biểu tại Hội nghị BRICS mở rộng ở Nga.
Ngày 24/10 (theo giờ địa phương), phiên toàn thể Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng năm 2024 diễn ra tại thành phố Kazan (Nga) với chủ đề "BRICS và Nam Bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn".
Dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Hội nghị có sự tham dự của hơn 40 lãnh đạo cấp cao các nước thành viên BRICS và khách mời là đại diện của các nước đang phát triển.
5 đề xuất kết nối chiến lược của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam
Phát biểu khai mạc trên cương vị nước Chủ tịch BRICS 2024, Tổng thống Nga Putin khẳng định BRICS sẽ tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác toàn cầu, trao cho tất cả quốc gia cơ hội bình đẳng, xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu cân bằng và công bằng hơn, nâng cao vai trò của các quốc gia đang phát triển nhằm xây dựng một thế giới tốt hơn.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước tham dự đã tập trung thảo luận các định hướng lớn để giải quyết một số vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, như xung đột, khủng bố, xóa đói nghèo, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực…
Lãnh đạo các quốc gia nhấn mạnh BRICS phải là nơi để các quốc gia cùng phối hợp vì mục tiêu chung là phát triển thịnh vượng, góp phần tăng cường hợp tác ở Nam Bán cầu, thúc đẩy nỗ lực chung của các nước đang phát triển trong ứng phó thách thức, cải thiện quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và toàn diện hơn.
Đại diện nhiều quốc gia cho rằng trước hết cần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhận định sâu sắc về "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên kết nối và hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo".
Ông cũng đồng thời nhấn mạnh tầm nhìn và cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chia sẻ chung trách nhiệm để giải quyết thách thức chung chưa từng có.
Để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề xuất năm kết nối chiến lược.
Một là kết nối nguồn lực. Theo đó, BRICS cần đi đầu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mạnh mẽ kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh thông tin.
Hai là kết nối hạ tầng chiến lược, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.
Ba là kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng không gian phát triển cho mọi quốc gia.
Bốn là kết nối con người với con người thông qua hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân giữa BRICS và các nước, nhằm xây dựng một không gian văn hóa "thống nhất trong đa dạng".
Theo Thủ tướng, đây sẽ là nơi các giá trị khác biệt được tôn trọng, điểm tương đồng được nhân lên, nơi vẻ đẹp của tình hữu nghị và hợp tác được nuôi trồng, vun đắp, như Đại văn hào Nga Dostoevsky nhấn mạnh "Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới".
Năm là kết nối trong cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng liên kết, chia sẻ, cân bằng, bình đẳng, hiệu quả, bao trùm, toàn diện để phát triển nhanh, bền vững.
"BRICS cần đấu tranh mạnh mẽ hơn trong chống lại xu hướng bảo hộ và chính trị hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bài học phát triển của Việt Nam
Chia sẻ bài học phát triển của Việt Nam về "kết nối, hội nhập, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 quan điểm lớn. Một là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển.
"Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Quan điểm lớn thứ hai là kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Quan điểm lớn thứ ba, theo Thủ tướng, là chính sách quốc phòng "4 không".
Trích dẫn câu văn của đại thi hào Nga Maxim Gorky "Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia là một phần không thể thiếu trong cơ thể con người vĩ đại và chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể đạt được tiến bộ thực sự", Thủ tướng tin tưởng BRICS sẽ đoàn kết, phát huy sức mạnh nội sinh để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công", Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng "cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn" cho tất cả người dân.
Hoài Thu (Từ Kazan, Nga)