Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của ông Nguyễn Văn Thể cho ngành GTVT
(Dân trí) - Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT đã có nhiều sự đóng góp cho Chính phủ, cho ngành giao thông vận tải thời gian qua.
Sáng nay (29/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10.
Trước khi bắt đầu phiên họp, Chính phủ chúc mừng ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận nhiệm vụ mới - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trải qua nhiều cương vị công tác, ông Nguyễn Văn Thể luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tham gia Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026 với hơn 5 năm đảm nhận vai trò là Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Thể đã để lại rất nhiều dấu ấn và có đóng góp rất quan trọng đối với hoạt động của Bộ và ngành GTVT nói riêng cũng như thành tích của Chính phủ trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, với tâm huyết, trách nhiệm cao và năng lực chuyên môn sâu, ông Thể đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành giao thông vận đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng, nổi bật.
Cụ thể, kết quả triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông những năm qua, trong đó hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải. Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành; khởi công, triển khai nhiều đoạn, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, nhiều cây cầu lớn nối các vùng miền…
Theo Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng GTVT rất chủ động, trách nhiệm trong việc nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành giao thông như vướng mắc về vốn (nhiều dự án chuyển đổi các hình thức đầu tư công, đầu tư phù hợp với từng giai đoạn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng nhiều dự án trọng điểm ngành giao thông); triển khai thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ, ngành GTVT được ông Thể chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả tích cực (trong năm 2022, đến nay đã giải ngân hơn 60%, thuộc tốp đầu cả nước).
Đặc biệt, ở giai đoạn giữ vai trò là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, ông Thể rất thẳng thắn, tránh nhiệm, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách, trước mắt, những vấn đề yếu kém, tồn tại của ngành; đồng thời đề xuất những vấn đề căn cơ, lâu dài, nhất là liên quan tới phát triển hạ tầng giao thông.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao những đóng góp tích cực của ông Nguyễn Văn Thể trong thành tích chung của Chính phủ thời gian qua.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với hiểu biết và kinh nghiệm công tác, ông Nguyễn Văn Thể sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mong muốn đồng chí sẽ thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến cho Chính phủ, cho Bộ GTVT.
Làm rõ các ý kiến mà Đại biểu Quốc hội vừa nêu trong 2 ngày qua
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường, Thủ tướng cho biết, cách đây khoảng 1 năm, vào tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", chuyển hướng chính sách, không theo đuổi "Zero-Covid" mà vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, nhìn lại tháng 10 và 10 tháng vừa qua, tình hình rất khác 10 tháng của năm 2021. Tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro về cả kinh tế, chính trị, xã hội ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự phiên họp tập trung đánh giá tình hình tháng 10 và 10 tháng vừa qua, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình thời gian tới, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp điều hành từ nay đến cuối năm để kết thúc năm 2022 một cách thắng lợi, đạt được mục tiêu đề ra.
Thủ tướng cũng đề nghị phân tích làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là các ý kiến mà Đại biểu Quốc hội đã nêu tại phiên thảo luận trong 2 ngày qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng với nhiều điểm sáng nổi bật.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về những kết quả đạt được và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung chỉ đạo; Tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm được đẩy nhanh; quyết liệt xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
Trong nước, các hoạt động sản xuất tiếp tục được phục hồi và tăng trưởng; các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giày, đồ gỗ...) phục hồi khá; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao trong 10 tháng.
Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục diễn ra sôi động; nhiều sự kiện lớn, mang ý nghĩa quan trọng được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện và hiệu quả; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, sẽ có thêm nhiều lực cản đối với quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững của chúng ta.
Đặc biệt, thời gian còn lại của năm 2022 là không nhiều, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng, áp lực lớn. Điều đó đòi hỏi quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, bình tĩnh, tỉnh táo hơn, đề cao trách nhiệm, hiệu quả hơn để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.