1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Thủ tướng đã xuất hiện đúng lúc”

“Trong bối cảnh đất nước hiện nay, có lẽ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một người xuất hiện đúng lúc, tạo được sự trông đợi ở cả trong và ngoài nước”. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nhận xét về 200 ngày đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ.

Mỗi con người luôn gắn với từng thời điểm, với những thuận lợi và không thuận lợi tại thời điểm đó. Ông nhận định gì về những thuận lợi và khó khăn khách quan khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận chức?

 

Thủ tướng Dũng nhận chức vào thời điểm Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi. Năm 2006 đã đạt được nhiều thành tựu sau nhiều năm cố gắng. Ngoại trừ mấy cơn bão và cúm gia cầm thì vị thế quốc tế và tình hình trong nước nói chung đều tốt đẹp. Việc gia nhập WTO, tổ chức thành công Hội nghị APEC là tấm bằng rất tốt để quảng bá hình ảnh. Còn khó khăn, Thủ tướng Dũng cũng gặp những vấn đề giống người tiền nhiệm, quan trọng nhất là những vấn đề của chính bộ máy dưới quyền.

 

Tiến sĩ nhận xét gì về 200 ngày đầu tiên ở cương vị thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng?

 

Ngay trong tháng đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ quyết tâm chống một trong những quốc nạn mà dân kêu nhất: tham nhũng. Chỉ trong 30 ngày, ông đã ra hơn mười kết luận về các vụ việc, chỉ đạo và yêu cầu báo cáo các vụ tiêu cực, trong đó có vụ PMU18, vụ việc ơ ngành hàng không, bưu chính viễn thông... Về nhân sự, tân Thủ tướng đã thay đổi và cho về hưu một số cán bộ cao cấp.

 

Ông đã quyết tâm xử lý, tháo được ngòi nổ dư luận khi miễn nhiệm phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm, đình chỉ công tác phó tổng thanh tra Trần Quốc Trượng. Nhiều cán bộ được ông dứt khoát cho nghỉ chế độ khi đến tuổi. Sự quyết đoán, năng động đó đã đem lại sự phấn khởi cho người dân.

 

Về mặt ngoại giao, Thủ tướng Dũng là vị khách đầu tiên được tân Thủ tướng Shinzo Abe mời thăm Nhật và ông đã tạo được mối quan hệ chính trị cao hơn với cường quốc kinh tế này; cụ thể là hai bên đều tuyên bố quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ “đối tác chiến lược”.

 

Khi một lãnh đạo mới xuất hiện, người dân thường trông đợi một sự cách tân nào đó. Ông đã thấy gì từ Thủ tướng Dũng?

 

Trong một thời gian ngắn, ông đã tạo được phong cách làm việc khác hẳn. Tác phong nhanh nhẹn, chịu khó di chuyển, trong ngày có thể có mặt ở nhiều địa phương, phát biểu không cần dùng văn bản soạn sẵn kể cả khi công cán nước ngoài. Tạo được ấn tượng tốt khi đối đáp trước Quốc hội và trước các nhà tài trợ nước ngoài. Những việc này tôi nghĩ đã được nung nấu, chuẩn bị.

 

Ưu thế trẻ và có thử thách khiến ông nhập cuộc rất nhanh. Sự am hiểu con người, am hiểu hệ thống pháp luật giúp ông không phải thăm dò, nên trong thời gian ngắn đã làm được khối lượng công việc rất lớn như lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tổ chức thực hiện nhanh Luật đầu tư, ra công điện yêu cầu giúp đỡ công dân Việt Nam ở Libăng...

 

Năm 2007 sẽ rất khác với 2006 và những năm trước... Thủ tướng Dũng đã điều hành Chính phủ khá tốt trong giai đoạn quyết định gia nhập WTO, nhưng sắp tới Chính phủ phải trong trạng thái sẵn sàng đón nhận những thử thách mới?

 

Các biến động của thế giới sẽ tác động trực tiếp và nhanh hơn đến VN. Bối cảnh mới đòi hỏi sự phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ nên không thể làm theo cách “ngâm cứu” kiểu cũ. Điều đó yêu cầu chất lượng bộ máy phải cao hơn, cải cách phải mạnh hơn. Đấy cũng là cơ hội để Thủ tướng thể hiện tầm vóc và năng lực của mình.

 

Việc Chính phủ cầm tay chỉ việc không còn phù hợp. Sân chơi WTO đòi hỏi mọi thành viên Chính phủ phải chủ động. Nên cách tốt nhất là thay đổi phương thức tiếp cận của Nhà nước, làm đến nơi đến chốn, làm tốt công việc đê tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo của người dân.

 

Ngày 2/8, Thủ tướng Dũng tuyên bố bộ máy phải làm cật lực để mang lại hiệu quả cho công chúng. Theo ông, Thủ tướng và những người dưới quyền của ông ấy đã làm cật lực chưa khi mà người dân vẫn còn mối lo cũ: các bộ trưởng tuyên bố nhiều nhưng những vấn đề trong lĩnh vực phụ trách của họ vẫn chưa được giải quyết?

 

Theo tôi, Thủ tướng đã làm việc cật lực, nhưng những người giúp việc của ông chúng ta thấy còn mờ nhạt. Nhiều bộ trưởng tôi không chắc có giải quyết được các vấn đề dư luận bức xúc hay không. Một nhạc trưởng giỏi không chỉ cố gắng xuất sắc một mình mà phải làm sao để các nhạc công ai cũng chơi tốt.

 

Dàn nhạc đó mới vận hành được 200 ngày, chưa nhiều nhưng cũng đu để nhận ra những cái vướng đầu tiên?

 

Nhậm chức từ ngày 27/6/2006, cho đến ngày 13/1/2007 là tròn 200 ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ, một khoảng thời gian có ý nghĩa để có bước đầu nhìn lại. 200 ngày điều hành Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua con mắt của người dân là như thế nào? Được gì? Chưa được gì? Kỳ vọng gì? Mong đợi gì?

 

Đấy cũng chính là một kênh thông tin (một “đường dây nóng”), một kênh giám sát của người dân để Chính phủ vững tin tiến bước và điều chỉnh công việc điều hành của mình cũng như tính toán những quyết sách lớn cho thời gian tới.

Công việc luôn tạo ra thách thức. Ta thấy thời gian qua Thủ tướng đã sử dụng rất mạnh công cụ hành chính: chống bão thì lập ban chỉ huy tiền phương, gửi rất nhiều công điện khẩn. Về kinh tế thì thúc đẩy cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thành lập các tập đoàn và trao cho các tập đoàn rất nhiều quyền, nguồn vốn, tài nguyên lớn. Việc chống tham nhũng dân rất mong, Thủ tướng cũng có nhiều động thái mạnh.

 

Nhưng những vụ việc đã kết luận thế nào? Kết quả chưa rõ. Cái ta thấy rõ là sau những nỗ lực dùng biện pháp hành chính, ngay lập tức Thủ tướng đã đụng trần cái khả năng vận hành của hê thống. Thủ tướng chỉ đạo rất mạnh việc chống bão, nhưng nhiều lãnh đạo tỉnh vẫn chưa làm đến nơi đến chốn mà Thủ tướng muốn cách chức họ cũng không được. Điều đó cho thấy rõ rằng: nếu muốn các quyết định, chỉ đạo của mình có hiệu lực thì Thủ tướng cần phải thúc đẩy cải cách một cách có hê thống, đồng bộ bộ máy.

 

Trong thời gian vừa qua Thủ tướng đã nói nhiều đến những yếu kém của bộ máy nhưng những biện pháp đưa ra có vẻ chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Nghĩa là Chính phủ chưa có chiến lược dài hạn hoặc có chương trình hành động cụ thể nào cho những việc đó?

 

Theo kinh nghiệm đã được tổng kết: khi con người đã có nỗ lực chân thành nhưng không đạt được kết quả thì vấn đề nằm ở hệ thống. Thì phải thực hiện cải cách một cách hệ thống, nếu không sẽ không giải quyết được vấn đề. Ví dụ việc cảnh sát giao thông nhận tiền thì ai cũng biết, nhưng nếu không giảm cái quyền “làm luật” của anh cảnh sát giao thông đi thì không giải quyết được “nạn mãi lộ”.

 

Theo ông, người dân đang trông đợi gì từ Chính phủ mà Thủ tướng Dũng đứng đầu?

 

Người dân trông đợi người đứng đầu Chính phủ có những ý tưởng táo bạo, làm mọi người bừng tỉnh. Muốn thế phải có những quyết sách dựa trên sự nghiên cứu, thảo luận phối hợp đa ngành. Trong quá trình hội nhập, phải thấy rằng co người được và cũng có người cay đắng. Phải chuẩn bị tốt an sinh xa hội và các chính sách trợ giúp những người bị mất mát nhiều khi hội nhập.

 

Thật ấn tượng khi Thủ tướng chủ động nói sẵn sàng đối thoại trực tuyến với dân khi trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tâm lý “lắng nghe và thấu hiểu” dân nên được khuếch trương và thực hiện ngay?

 

Một trong những điều quan trọng nhất của hội nhập là công khai, minh bạch. Một trong những cam kết để được vào WTO là VN trước khi có quyết định gì liên quan đến doanh nghiệp phải công bố trước 60 ngày. Theo tôi, các ý tưởng lớn cần hoan nghênh đối thoại. Khi người dân được thông báo va được thảo luận thì họ ít nhiều ý thức được vai trò của mình trong chính sách đó và khi thực hiện, họ sẽ làm tốt hơn. Thứ nữa là họ có thời gian chuẩn bị. Chính quá trình thảo luận sẽ nâng cao chất lượng chính sách và chuẩn bị cho việc thực hiện tốt chính sách đó.

 

Liệu Thủ tướng sẽ phát biểu định kỳ trên truyền hình như thông lệ một số nước và chấp nhận việc người dân giám sát các quyết định của mình?

 

Theo tôi, nên ủng hộ Thủ tướng sử dụng Internet giao lưu với người dân hay ủng hộ Thủ tướng lên truyền hình thông báo cho dân biết tình hình kinh tế - xã hội định kỳ, nói thời gian qua đã làm được cái gì, sắp tới se làm gì hay giải đáp một vấn đề nào đó như rất nhiều vị nguyên thu khác đã làm. Cái đó chỉ có lợi cho hình ảnh của Chính phủ và cải thiện quan hê giữa người dân và Nhà nước.

 

Tóm lại, với 200 ngày nắm quyền điều hành Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có thể đặt kỳ vọng gì?

 

Kỳ vọng con người này sẽ nhân lên được sức mạnh của dân tộc. Mong rằng chúng ta sẽ có một Chính phủ theo kiểu đại đoàn kết toàn dân như Chính phủ của Hồ Chí Minh năm 1946, một Chính phủ huy động được trí tuệ của cả dân tộc, của những trí thức ngoài Đảng như Trần Hữu Tước, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng... Muốn phát triển thì phải vượt lên trên những nghịch lý và khó khăn. Người nào vượt lên được chính mình, theo Khổng Tử, sẽ trở thành dũng sĩ.

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm