Thủ tướng: Đã hy sinh lợi ích để cách ly, phong tỏa thì phải kiểm soát được
(Dân trí) - "Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình; Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu sẽ khiến người dân bức xúc", Thủ tướng nói.
Phát biểu kết luận phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới diễn ra ngày 11/8, trước hết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại nội dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Chính phủ là Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV nhận nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép một cách linh hoạt, hiệu quả nhưng trước mắt, Chính phủ xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay; đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
"Chúng ta thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn, mất mát, đồng thời trân trọng cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả cùng với Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống đại dịch thời gian qua", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
"Cán bộ không lo được cái ăn cái mặc là có lỗi với dân"
Kết luận về nhiệm vụ phòng chống dịch, Thủ tướng khái quát, cả nước đang nỗ lực cố gắng thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc thù trong tình trạng cấp bách, theo Nghị quyết 86 vừa ban hành của Chính phủ.
Thủ tướng chỉ rõ, việc thực hiện Chỉ thị 16 ở một số địa phương chưa thực sự nghiêm túc, thiếu kiểm tra, giám sát. Việc tổ chức "4 tại chỗ" có nơi chưa nghiêm túc nên khi tình hình phức tạp thì lúng túng, bị động, không đáp ứng yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rút kinh nghiệm: Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, về phòng chống dịch; Các cấp ủy, chính quyền phải tập trung kiểm tra, giám sát, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nghiêm các quy định. Thủ tướng đòi hỏi, mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ phòng chống dịch. Phải quán triệt điều này, nếu không sẽ thất bại.
"Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình; đi theo mục tiêu, thời hạn cụ thể thì phải có giải pháp, tổ chức thực hiện thực sự nghiêm túc. Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghị quyết 86, theo phân tích của Thủ tướng, nêu yêu cầu chung nhất là "người phải cách ly với người, 'ai ở đâu yên đó', 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người', cộng với các biện pháp xét nghiệm, 5K, vắc xin, thuốc, công nghệ và các biện pháp khác", khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc, dập dịch tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình.
Tiếp tục nhấn mạnh về chiến lược vắc xin, hoàn thiện công nghệ phòng chống dịch, Thủ tướng nêu mục tiêu phát huy cao nhất, hiệu quả của Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện, nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên cơ sở kết nối với các nền tảng đã có, đặc biệt là nền tảng cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, phục vụ việc tiêm vắc xin, truy vết…
"Trong lúc chưa có đầy đủ vắc xin và thuốc đặc trị thì vẫn phải bảo vệ được người dân, phòng dịch vẫn là chủ yếu, chiến lược, quyết định" - Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi thực hiện phong tỏa cách ly, không được để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân ở mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn an dân. Lãnh đạo Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm: "Các bộ ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu này. Ai không làm được là có lỗi với dân".
Tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược
Đề cập nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư khẩn trương hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Lưu ý thực tế, việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, Thủ tướng nêu nhiệm vụ, trong vòng 5 năm tới đây, việc tổ chức thực hiện phải được quan tâm hơn, đặc biệt ở cơ sở. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhanh chóng phát hiện các nhân tố mới, mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng, đồng thời khắc phục hạn chế, yếu kém để có sự phát triển tổng thể, toàn diện. Vừa phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, vừa phải mở ra không gian đổi mới sáng tạo để khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng và tháng 7, Thủ tướng nhận định, các tổ chức quốc tế có những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam nhưng không được chủ quan, thỏa mãn. Thời gian tới, phải tập trung ưu tiên số một cho chống dịch, chống dịch thành công thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn, chống dịch không thành công thì gặp khó khăn nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ 5 yêu cầu phải đạt được, giữ vững trong thời gian tới. Thứ nhất, cương quyết giữ được lưu thông hàng hóa. Thứ hai, bảo đảm lưu thông về tài chính - tiền tệ. Thứ ba, giữ được cung ứng về nguồn lao động, không để đứt gãy thị trường này. Thứ tư, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ năm, bảo đảm sự chỉ huy, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh 'trống đánh xuôi kèn thổi ngược'.