Thủ tướng: "Cố gắng đến 30/9 từng bước nới lỏng giãn cách có kiểm soát"
(Dân trí) - "Cố gắng từ nay đến 30/9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Sáng 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 10.400 xã phường thị trấn.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh trong 2 tuần qua; nhất là tuần vừa qua, kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; những gì được và chưa được, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát; từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho thời gian tới, nhất là cho tuần tới.
Một nội dung quan trọng nữa của cuộc họp là tiếp tục cho ý kiến về dự thảo kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế xây dựng dự thảo kế hoạch này với các chỉ tiêu, quy định, quy trình để đánh giá, thực hiện. "Cố gắng từ nay đến 30/9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, hôm qua (ngày 24/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện thật tốt chính sách này để hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động trên tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các đại biểu tập trung thời gian, trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến, đặc biệt là cho ý kiến về kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, 14 ngày qua, cả nước ghi nhận 152.215 trường hợp mắc mới (87.214 ca cộng đồng); tuần qua ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó.
Đáng chú ý, có 16/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào (Cao Bằng).
Số tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó; riêng TPHCM giảm 10,5%, Bình Dương giảm 12,6%, Đồng Nai giảm 15,4%, Long An giảm 15,8%.
Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc trong 7 ngày gần đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước (trong đó có Bình Dương, TPHCM, Long An). Trong tuần, ghi nhận 40.577 ca mắc trong cộng đồng (chiếm 56,2% tổng số ca mắc), giảm 11,7% so với tuần trước.
Tiếp tục sửa đổi Nghị quyết 68 để thuận lợi cho dân
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ em.
Bộ trưởng phân tích, giải pháp căn cơ và lâu dài để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới là phải tìm kiếm ngay nguồn vắc xin để tiêm cho trẻ em theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, tiêm cho người từ 12-17 tuổi, giai đoạn 2 là tiêm cho nhóm trẻ có độ tuổi thấp hơn, dưới 12 tuổi. "Về căn cơ, lâu dài, nhất định phải quan tâm việc này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ngoài ra, lãnh đạo ngành cũng đề cập nội dung về chính sách hỗ trợ người lao động, người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn để vượt qua giai đoạn dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng, kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, trong 3 tháng qua, Chính phủ đã liên tiếp ban hành Nghị quyết 68 (ngày 1/7/2021) và 116 (ngày 24/9/2021) để hỗ trợ phủ khắp các đối tượng khó khăn trong xã hội, đã được cộng đồng ghi nhận.
Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 68 đến nay, có gần 17 triệu người đã được thụ hưởng chính sách, với tổng số tiền hỗ trợ gần 12.300 tỷ đồng, trong đó có gần 4,6 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù với kinh phí gần 6.300 tỷ đồng và gần 77.000 hộ kinh doanh.
Nhận định việc thực hiện chính sách có hiệu quả nhưng Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ các đối tượng như người lao động bị mất việc làm, người phải tạm dừng việc, giãn việc, bị sụt giảm thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.
Ông Dung cũng cho biết, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ để tiếp tục sửa đổi Nghị quyết 68 theo hướng làm sao để người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận chính sách một cách thuận lợi nhất.
Về chính sách mới được ban hành trong Nghị quyết 116 (hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các hỗ trợ đợt này xác định chỉ dành cho người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp vì nguyên tắc sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là đóng - hưởng.
Bộ trưởng cũng đề nghị quan tâm hơn tới đối tượng tham gia bảo hiểm chưa đủ 12 tháng vì đây là những người có công việc, nguồn thu nhập bấp bênh, dễ bị tổn thương sâu sắc do dịch Covid-19.
Ngoài ra, về thời gian thực hiện chính sách mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 116 của Chính phủ quy định hoàn thành việc chi hỗ trợ cho người lao động chậm nhất vào ngày 31/12/2021 nhưng ông yêu cầu trong hạn 45 ngày phải hoàn thành. Việc thực hiện chính sách với người sử dụng lao động, Bộ trưởng quán triệt tinh thần phải hoàn thành trong 7 ngày.