1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Phước Tuần

(Dân trí) - Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (từ Diễn Châu đến quốc lộ 46B) chính thức khánh thành, giúp người dân từ TPHCM và Hà Nội đi Nha Trang và Nghệ An gần hơn.

Ngày 28/4, Bộ GTVT phối hợp với bốn tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Nghệ An tổ chức khánh thành Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (đoạn từ Diễn Châu đến nút giao Quốc lộ 46B). Lễ khánh thành kết nối trực tuyến hai địa phương Ninh Thuận và Nghệ An.

Đến dự lễ khánh thành tại điểm cầu hầm núi Vung, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, địa phương liên quan. 

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt còn 20km 

Báo cáo tổng quan tình hình triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, cho biết, giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, Bộ GTVT đã triển khai 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km. Đến thời điểm này, cơ bản 11 dự án thành phần của giai đoạn 1 đã hoàn thành.

Thủ tướng cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Ảnh: Hoàng Bình).

Riêng dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, bên cạnh 30km đầu tuyến được thông xe, đưa vào khai thác dịp 30/4, Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt để trong quý III năm 2024 khánh thành 20km còn lại; đến cuối năm 2025 cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 cùng một số đoạn khác để thông toàn tuyến.

"Hai dự án khánh thành và thông xe ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn đối với các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận và mang lại không gian phát triển mới, liên vùng. Rút ngắn đáng kể thời gian đi từ TPHCM đến Nha Trang và từ thủ đô Hà Nội đến TP Vinh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá.

Quá trình thi công, dự án cũng đã gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch, địa hình, địa chất phức tạp, thời gian xử lý kỹ thuật bị kéo dài…

Đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194. Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm phải, lưu thông 2 chiều.

Quyết tâm đạt 3.000km đường cao tốc vào năm 2025

Phát biểu tại lễ khánh thành đầu cầu Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn đến nhà đầu tư, các nhà thầu, đơn vị thi công đã không ngại nắng, ngại mưa; vượt qua bao khó khăn dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt, vật giá leo thang... để sớm hoàn thành 2 dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hiện toàn tuyến cao tốc trục Bắc - Nam đã đưa vào khai thác hơn 1.000km, tổng hệ thống cao tốc trên cả nước hơn 2.000km. Với đà này chúng ta quyết tâm đạt kế hoạch 3.000km vào năm 2025.

Thủ tướng cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Ảnh: Hoàng Bình).

Thủ tướng nhấn mạnh, hạ tầng giao thông đi đến đâu sẽ góp phần, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, góp phần kéo gần khoảng cách địa lý. Khi hạ tầng phát triển sẽ tạo ra giá trị mới cho đất nước, người dân hưởng lợi, có cuộc sống tốt hơn. 

Dặn dò các đơn vị thi công, Thủ tướng luôn nhắc nhở tinh thần vượt nắng thắng mưa, ba ca bốn kíp, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương, chỉ có bàn làm chứ không bàn lùi. 

Đứng trước những khó khăn, các đơn vị cần giải quyết ngay tại công trường các vướng mắc, phải bám sát thực tiễn để vượt qua thách thức về nguồn vốn, công nghệ… 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ GTVT và các bộ ngành có liên quan kiểm tra, vận hành các tuyến cao tốc an toàn giao thông. Những hạng mục chưa hoàn thiện cần tiếp tục tháo gỡ, sớm hoàn thành. Đặc biệt sớm đầu tư luôn đường hầm bên trái núi Vung để sớm đưa vào vận hành.

Thủ tướng cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo - 3

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Hoàng Bình).

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành đồng bộ 70km đường, 35 cầu, 2 nút giao liên thông, 69km đường gom, 2,25km đường hầm xuyên núi, cùng hệ thống thiết bị, hệ thống ITS…  được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì đảm bảo công trình đưa vào vận hành khai thác an toàn, thông suốt.

Trước đó, hôm 26/4, tuyến cao tốc này chính thức thông xe toàn tuyến. Các ô tô có thể chạy trên cao tốc theo hướng Bắc - Nam và ngược lại. Còn các xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ, máy kéo, mô tô, xe gắn máy…, không được chạy vào. Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là đoạn cao tốc cuối cùng nối TPHCM với Nha Trang.

Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt đưa vào khai thác 30km

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được thiết kế vận tốc thiết kế 100-120km/h, riêng hầm Thần Vũ vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án được đầu tư theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư hơn 5.090 tỷ đồng; nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.067 tỷ đồng.