Thủ tướng: Các cơ quan của Chính phủ giảm 30% đầu mối, có nơi giảm 50%
(Dân trí) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đến nay, trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%, trên cơ sở đó cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ.
Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các đại phương, sáng 8/1.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết tình hình kinh tế xã hội năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 12/15 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra.
Theo Thủ tướng, kết quả tăng trưởng GDP đã giúp nâng quy mô và xếp hạng GDP của Việt Nam, tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng năng suất lao động. Thu chi ngân sách đạt cao, vượt thu 337.000 tỷ đồng trong khi giảm thuế, phí, lệ phí gần 200.000 tỷ đồng.
Dẫn đánh giá của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng nêu điểm nổi bật khi chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là làm sao để nhân dân được hạnh phúc, ấm no, theo lời Thủ tướng.
Ông cho rằng những kết quả đạt được có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin, hy vọng để đạt được kết quả cao hơn, tăng cường tính tự chủ trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Nhận định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2021-2025, Thủ tướng nhấn mạnh cần nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm đi vào hoạt động bình thường, thông suốt, hiệu quả; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương", Thủ tướng nói và yêu cầu xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng quán triệt cần xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Mục tiêu phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65-70% GDP.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác được người đứng đầu Chính phủ đề cập là triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".
Quán triệt những việc làm được cần làm ngay theo chỉ đạo, những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục lắng nghe ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thành, Thủ tướng cho biết đến nay, trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%, trên cơ sở đó cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, xây dựng "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" nhằm giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng suất lao động.
Nhiệm vụ nữa là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Mục tiêu cụ thể được Thủ tướng đề cập là phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài.
Cũng trong năm 2025, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, tiếp tục các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhà máy hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng...
Về các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Thủ tướng cho biết đều rất sát tình hình, đã và đang được giải quyết, trong đó tập trung vào một số việc: phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; xóa bỏ cơ chế xin - cho; cắt bỏ thủ tục rườm rà, không cần thiết.