Thủ tướng: Ai cũng ngậm ngùi vì các cháu không được nghe tiếng trống trường

Quang Phong

(Dân trí) - "Tất cả chúng ta ai cũng ngậm ngùi vì dịch bệnh lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ các cháu khi chưa được cắp sách đến trường; hàng ngày không được nghe tiếng trống trường...", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Tối 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện học tập trực tuyến.

Tới tham dự chương trình còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng... 

Chương trình ra đời từ cuộc gọi của Thủ tướng lúc nửa đêm 

Phát biểu khai mạc Chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Thủ tướng Chính phủ thường có các cuộc gọi các Bộ trưởng vào lúc nửa đêm. Rất có thể là vì đến lúc đó, Thủ tướng mới có thời gian dành cho các ý tưởng mới. Cách đây 5 ngày, vào lúc 0h15 ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ nói với tôi ý tưởng của chương trình "Sóng và máy tính cho em" vừa là học trực tuyến vừa là xây dựng xã hội số". 

Thủ tướng: Ai cũng ngậm ngùi vì các cháu không được nghe tiếng trống trường - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" (Ảnh: Quốc Chính).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi Covid-19 ập đến và giãn cách xã hội, các em học sinh là những người đầu tiên phải ở nhà, phải học trực tuyến từ nhà. Nhưng hàng triệu em không có máy tính. Vào lúc 9h ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình "Sóng và máy tính cho em". 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là một chương trình lớn, liên quan đến toàn quốc, liên quan đến hàng chục triệu học sinh và sự hỗ trợ giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và toàn dân.

Do chủ trương đúng, do tính nhân văn của nó nên chỉ trong chưa đến 5 ngày, bằng vào sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực nên hôm nay chương trình được ra mắt, chứng kiến những đóng góp đầu tiên lên tới một triệu máy tính cho em.

Chương trình gồm 3 mục tiêu chính là: Có sóng, có internet đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam; Có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; Có giá cước phù hợp cho các máy tính.

Phương thức học tập mới phù hợp với điều kiện giãn cách 

Phát biểu phát động chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sóng và máy tính là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.

Tuy nhiên, đây là phương thức học tập mới, đòi hỏi các nhà giáo và các em học sinh phải điều chỉnh phương thức dạy và học. Nhất là các thầy cô phải điều chỉnh nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp một và cuối các cấp học.

Thủ tướng: Ai cũng ngậm ngùi vì các cháu không được nghe tiếng trống trường - 2

Các đại biểu tham dự Chương trình tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ (Ảnh: Quốc Chính).

"Với chương trình này chúng tôi quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo, những nơi chưa có sóng. Có sóng mà không có máy tính thì cũng không học được, có máy tính mà không có sóng thì cũng không học được. Do vậy, sóng và máy tính cho em là những cái không thể thiếu", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, tất cả chúng ta ai cũng ngậm ngùi vì dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ các em học sinh khi chưa được cắp sách đến trường; hàng ngày không được nghe tiếng trống trường; không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô. Nhiều nơi các em phải học trực tuyến gần 2 năm qua. Điều đó ảnh hướng đến tâm lý, kiến thức và sự phát triển toàn diện của các em.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên các em thiệt thòi hơn nhiều bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa các em còn phải dựng lán ở đỉnh đồi để có sóng để học. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy tính cho con, những học sinh đó không được tiếp cận kiến thức và tủi thân với bạn bè.

Thủ tướng: Ai cũng ngậm ngùi vì các cháu không được nghe tiếng trống trường - 3

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại chương trình (Ảnh: Quốc Chính).

"Đảng, Nhà nước hiểu rất rõ và chia sẻ với gia đình các cháu đang đối mặt với khó khăn để thích ứng với việc học tập trong điều kiện dịch bệnh. Đảng, Nhà nước đang xây dựng những giải pháp trước mắt và lâu dài để chúng ta thích ứng an toàn với dịch bệnh, thực hiện mục tiêu mở trường học một cách an toàn, và an toàn mới mở cửa", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. 

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta cần đánh giá tác động nhiều mặt để có phương án giải quyết từng vấn đề trước mắt và lâu dài. Một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy trực tuyến tại những địa phương chịu ảnh hưởng của dịch bệnh là thiếu thiết bị học và thiếu sóng. Điều này có thể dẫn đến thiếu công bằng trong tiếp cận giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Thủ tướng: Ai cũng ngậm ngùi vì các cháu không được nghe tiếng trống trường - 4

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, "Sóng và máy tính cho em" là một chương trình lớn và ý nghĩa (Ảnh: Quốc Chính).

Thông qua Chương trình "Sóng và máy tính cho em", Thủ tướng mong các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân "có được cái gì thì ủng hộ cái đó"; có được đến đâu thì ủng hộ đến đấy, với tinh thần "tương thân, tương ái" để chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao các Bộ ngành, các địa phương đã hưởng ứng kế hoạch thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em". Thủ tướng cũng nhiệt liệt biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái đã ngay lập tức hỗ trợ chương trình.

Tại lễ phát động, nhiều doanh nghiệp trong nước đã lần lượt công bố các khoản đóng góp lớn cho chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Thủ tướng: Ai cũng ngậm ngùi vì các cháu không được nghe tiếng trống trường - 5

Các doanh nghiệp công nghệ sẽ miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam gồm: VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS với giá trị ủng hộ 200 tỷ đồng. Các địa phương trên cả nước cũng đã ủng hộ, đóng góp được 63 tỷ, 8 máy tính và 630 điện thoại thông minh cho chương trình.

Viettel, VNPT, MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 9 và trên toàn quốc trong năm 2021. Tổng kinh phí triển khai kế hoạch này là gần 3.000 tỷ đồng.

Viettel, VNPT, MobiFone sẽ miễn phí 4Gb/ngày cho một triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến.

Các nhà mạng cũng cam kết sẽ hỗ trợ các gói cước, hạ tầng CNTT phục vụ việc dạy và học trực tuyến như máy chủ, chỗ đặt máy chủ và đường truyền Internet. Kế hoạch này sẽ kéo dài trong 3 tháng với kinh phí dự kiến là 450 tỷ đồng.

Tính tới cuối lễ phát động, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã nhận được tổng số tiền ủng hộ là hơn 2.500 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 triệu chiếc máy tính từ các doanh nghiệp.