“Thủ trưởng nghiêm túc sẽ hạn chế tuyển lao động hợp đồng”

(Dân trí) - “Nếu thủ trưởng nghiêm túc sẽ rất hạn chế tuyển lao động hợp đồng, thậm chí chấp hành tuyệt đối quy định. Còn họ tự ý ký vượt quá chỉ tiêu do UBND thành phố Hà Nội giao là làm không đúng”, ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Trước lo ngại của hàng ngàn lao động hợp đồng đang làm việc ở các sở ngành, quận huyện về việc có thể bị mất việc sau khi UBND TP Hà Nội yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý biên chế, tiền lương cán bộ công chức, ngày 19/8, ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã trao đổi với phóng viên Dân trí để làm rõ vấn đề.

Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội
Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội

Tại sao trên địa bàn Hà Nội lại có tình trạng hàng ngàn lao động đang làm thay việc của công chức, thưa ông?

Sau khi hợp nhất (Hà Tây với Hà Nội) công việc của các sở ngành cũng nhiều hơn trước. Một số sở công việc nhiều, áp lực lớn cộng với việc có nguồn thu như Kế hoạch đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Quy hoạch kiến trúc… đã tự ký hợp đồng để giải quyết việc của họ.

Tuy nhiên, nếu thủ trưởng nghiêm túc sẽ rất hạn chế tuyển lao động hợp đồng, thậm chí chấp hành tuyệt đối quy định. Theo quy định nếu các sở ngành này tự ý ký vượt quá chỉ tiêu do UBND thành phố Hà Nội giao thì đơn vị đó thực hiện không đúng.

Như vậy là lãnh đạo các sở ngành đã tùy tiện ký lao động hợp đồng mới dẫn đến tình trạng như vậy?

Cũng không phải các sở ngành tùy tiện ký hợp đồng với người lao động. Tôi nhớ có thời điểm Hà Nội tạm thời không tổ chức thi tuyển công chức. Với những cơ quan có nhiều người về hưu, người chuyển công tác dẫn đến việc số người hiện tại không giải quyết hết công việc. Hà Nội mới xin ý kiến của Bộ Nội vụ cho phép ra quyết định ký hợp đồng thỏa thuận trong chỉ tiêu biên chế.

Từ đó, thành phố giao cho Sở Nội vụ là cơ quan thẩm định, làm thủ tục điều động lao động về làm ở vị trí còn thiếu. Sau này, Quyết định 103 được ban hành, không giao cho Sở Nội vụ thẩm quyền như vậy nữa. Còn các Sở đã tự ký hợp đồng lao động làm chuyên môn từ 1 tháng, 3 tháng… Đáng nhẽ ra các sở phải làm theo mẫu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng họ không làm mà mỗi một cơ quan lại có hình thức ký khác nhau.

Công việc nhiều lên, lãnh đạo các sở sẵn sàng lấy thêm người về làm, điều đó liệu có phản ánh trình độ quản lý công việc thiếu khoa học hay năng lực của công chức còn hạn chế không, thưa ông?

Nếu thủ trưởng đơn vị sắp xếp bộ máy, công việc và đặc biệt là chọn được người tinh xảo, có trách nhiệm thì giải quyết công việc rất nhanh. Cũng phải nói thực là anh em công chức hiện nay chưa đạt được đến mức độ chuyên nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ. Suy cho cùng đó chính là trình độ chuyên môn của công chức và thủ trưởng biết cách tổ chức sắp xếp bộ máy.

Hàng ngàn người nộp hồ sơ thi công chức ngành thuế Hà Nội
Hàng ngàn người nộp hồ sơ thi công chức ngành thuế Hà Nội

Nhiều người cho rằng, việc lấy lao động nhiều như vậy là để xí chỗ, giữ suất cho người thân?

Khi lấy về làm hợp đồng ở các sở ngành thì người ta cũng đều phải chọn cả. Ví như ở Sở Giao thông vận tải thường lấy người ở ban dự án, đơn vị sự nghiệp về làm ở phòng ban chuyên môn. Khi lấy người ở đơn vị về thì người ta biết rõ trình độ chuyên môn thế nào, năng lực thế nào. Dĩ nhiên đó là theo cảm nhận đánh giá của người ta.

Từ những bất cập trong việc sử dụng lao động đã được Sở Nội vụ chỉ rõ, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - đã yêu cầu rà soát sử dụng lao động hợp đồng, phân loại và xử lý theo hướng chấm dứt, thanh lý các hợp đồng do phòng chuyên môn tự ký và trả lương bằng kinh phí từ ngân sách. Điều đó khiến nhiều người lo lắng sẽ bị mất việc trong thời gian tới?

Cái đó phải làm từng bước chứ không thể nói cắt là cắt ngay được vì suy cho cùng họ là người lao động nên làm gì cũng phải vừa có tình, có lý. Thời gian tới chúng tôi phải xuống từng đơn vị để tiếp tục lắng nghe để nắm được đặc thù công việc của họ. Từ cụ thể đó để xác định vị trí phù hợp cho từng đối tượng.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong