1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: “Nói khách du lịch giảm do hệ thống visa cản trở là hơi vội vã”

(Dân trí) - “Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân căn bản của việc giảm lượng khách du lịch vào Việt Nam là do hệ thống visa cản trở. Tôi cho đây là ý kiến khá vội vã, chúng ta nên tìm ra căn nguyên của nó”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam nói.

Liên quan đến vấn đề lượng du khách đến Việt Nam đã liên tục giảm từ cuối năm 2014 đến nay, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho rằng, miễn thị thực còn phải nhìn từ góc độ ngoại giao, phải cân đối các mối quan hệ giữa chúng ta với các nước. Chúng ta có rất nhiều quan hệ đối tác chiến lược, anh em miễn thị thực cho nước này, phải miễn thị thực cho nước khác.

Miễn nhưng không được tháo khoán

Nhiều nguồn thông tin, dư luận đang rất sốt ruột vì dấu hiệu sụt giảm của ngành du lịch khi lượng du khách đến Việt Nam đã liên tục giảm từ cuối năm 2014 đến nay. Trong các hướng giải pháp đề ra để gỡ khó cho ngành du lịch có nhiều quan điểm đề xuất nới quy định, “thoáng” hơn trong vấn đề cấp visa. Bộ Ngoại giao có đồng ý với hướng đề xuất này?

Đúng là có mối lo ngại trong cơ quan quản lý nhà nước và dư luận khi lượng khách du lịch sụt giảm lớn. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân căn bản của việc giảm lượng khách du lịch vào Việt Nam là do hệ thống visa cản trở. Tôi cho đây là ý kiến khá vội vã, chúng ta nên tìm ra căn nguyên của nó.

Nếu cho rằng hệ thống visa là cản trở thì tại sao cũng hệ thống đó năm 2014 lại có lượng khách lớn, còn đến năm 2015 lại giảm. Thực tế, sau khi có Luật Xuất nhập cảnh mới, hệ thống visa giờ còn đơn giản hơn, thoáng hơn rất nhiều, được các nước rất hoan nghênh. Phân tích như vậy để thấy rõ những nghịch lý nên phải rất thận trọng khi đánh giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Namcho rằng, phải xác định được và mất trong vấn đề visa

Với kinh nghiệm của tôi thì nguyên nhân sụt giảm du lịch của Việt Nam nằm trong xu thế sụt giảm chung ngành du lịch trong khu vực. Lý do cho thấy các nguồn thị trường cung khách lớn như Nga, Trung Quốc và đặc biệt là các nước Châu Âu đều có có tác động không thuận của nền kinh tế. Ngoài ra, vào 5/2014, do sự kiện giàn khoàn Hải Dương 981, các công ty du lịch Trung Quốc hầu như dừng hẳn việc đưa khách du lịch vào Việt Nam. Sau sự kiện Crưm nước Nga bị phương Tây bao vậy cấm vận, đồng Rúp mất giá nghiêm trọng, từ đó có thể hiểu sự chi trả của khách tăng lên nhiều, nên những nơi có lượng khách Nga giảm đi rất nhiều.

Ngoài ra, đồng Euro cũng mất giá rất nhiều, nếu như trước đây một đồng Euro đổi ra được 27 nghìn đồng Việt Nam thì hiện nay chỉ được khoảng hơn 20 nghìn đồng nên sức mua của đồng Euro với thị trường Việt Nam giảm. Cho nên người dân các nước châu Âu phải cân nhắc khi đi du lịch để phù hợp với túi tiền của họ.

Đó là 3 yếu tố tôi cho là căn bản làm cho lượng khách du lịch vào Việt Nam sụt giảm. Từ nguyên nhân đó chúng ta phải suy xét để thấy được bản chất của vấn đề. Một trong những yếu tố mà Chính phủ đặt ra một cách rất thận trọng, ngoài biện pháp hỗ trợ du lịch phát triển để hút khách nước ngoài thì cũng xem xét dỡ bỏ hệ thống thị thực của chúng ta.

Nhưng như tôi nói phải hết sức tỉnh táo, thận trọng để tìm ra căn nguyên sụt giảm khách du lịch để có quyết sách đúng. Nếu không sẽ như một lang y trị bệnh không đúng, bệnh không khỏi mà còn tạo ra hiệu ứng khác.

Như ông phân tích visa không phải là rào cản khiến cho lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam sụt giảm thời gian qua. Thế nhưng đề xuất tạo điều kiện, thông thoáng hơn trong việc cấp visa cho du khách vào Việt Nam cũng là một giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay?

Thực ra, Bộ Công an là đơn vị quản lý chính sách thị thực, còn Bộ Ngoại giao dưới góc độ cơ quan đại diện ở nước ngoài, nơi tiếp cận với khách nước ngoài đến xin cấp visa thì thấy hệ thống thị thực những năm vừa qua đã được cải thiện rất tốt. Ban đầu thị thực phải 1 đến 2 tuần mới cấp, đến nay khá thông thoáng, khách chỉ nộp đơn 1 đến 2 ngày đã được cấp visa rồi. Ngoài ra, hệ thống bảo hiểm, hệ thống xác minh tài chính, bảo lãnh nhân thân hầu như chúng ta không yêu cầu. Vì vậy, hệ thống cấp thị thực của chúng ta đứng thứ 15 trong 140 nước do diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là nước có chỉ số cấp thị thực thông thoáng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng tình, cái gì còn cản trở du lịch cần phải xem xét để tháo gỡ. Trong đó có visa, tuy đã tháo gỡ vướng mắc thông thoáng hơn nhiều nhưng vẫn có ý kiến cho rằng còn chậm. Tôi không nói vấn đề visa không cản trở, nhưng phải cân nhắc tổng thể các vấn đề, phải xác định nếu để visa thì có được cái gì, nếu bỏ được cái gì. Trong cái được thì chịu rủi ro gì.

Được biết, vừa qua Chính phủ cũng bàn nhiều vấn đề này. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã đề xuất xem xét miễn thị thực cho công dân nhiều nước là những thị trường khách hàng du lịch trọng điểm của Việt Nam, trong đó có vấn đề miễn thị thực đơn phương nhưng Bộ Ngoại giao không tán thành. Trong số hàng chục quốc gia Bộ Văn hóa đưa ra trong bản danh sách đề xuất, vừa qua mới chỉ 5 nước được Bộ Ngoại giao thống nhất. Lý do giải thích cho việc này?

Trước hết tôi khẳng định nói Bộ Ngoại giao không đồng ý là không đúng. Quan điểm của chúng tôi là hết sức thận trọng để nghiên cứu, để làm sao cân đối giữa cái được và cái chịu ảnh hưởng nếu bỏ visa.

Tôi có cảm giác khi tìm các biện pháp tháo gỡ cho ngành du lịch có rất nhiều ý kiến nhưng hầu như quên mất vấn đề khách du lịch quan tâm đến việc chúng ta cung cấp sản phẩm du lịch là cái gì, sức hấp dẫn các tour du lịch, khi người ta đến thăm thì được hưởng thụ cái gì và sự bảo đảm an ninh, an toàn khi họ đến.

Nhiều người còn cứ nói thị thực như cứu cánh. Nói như thế, có thể tạo cảm giác như nếu bỏ thì khách du lịch ào ào vào Việt Nam vậy, cái này theo tôi phải xem thêm. Ngay người Việt Nam của chúng ta, họ cũng có so sách khi chọn địa điểm du lịch. Nhiều gia đình người ta chọn các nước láng giềng vì tour du lịch rẻ, phù hợp với thị yếu như muốn đi chơi với gia đình, kết hợp với mua sắm.

Chúng tôi tán thành mọi chủ trương miễn thị thực nhưng phải cân nhắc vì nó tác động trực tiếp đến ngân sách của chúng ta. Chúng tôi không phản đối việc miễn thị thực nhưng phải cân nhắc. Một vấn đề khác, là chúng ta yêu cầu họ phải tôn trọng công dân của chúng ta phải được đối xử bình đẳng, đối đẳng khi ra nước ngoài. Phải nhìn cả hai phía, vào và ra.

Miễn thị thực còn phải nhìn từ góc độ ngoại giao, phải cân đối các mối quan hệ giữa chúng ta với các nước. Chúng ta có rất nhiều quan hệ đối tác chiến lược, anh em miễn thị thực cho nước này, phải miễn thị thực cho nước khác. Nếu không chúng ta lại rơi vào sự bất bình đẳng với các nước.

Như vậy, khi miễn thị thực phải tính cả 3 góc độ: kinh tế, sự bình đẳng của công dân Việt Nam và vấn đề đối ngoại. Chúng tôi tán thành nhưng miễn cho ai, bao lâu thì phải tính. Từ kinh nghiệm thế giới thì thấy, họ miễn nhưng không tháo khoán để tạo lợi thế cho họ trong mối quan hệ về kinh tế, cũng như chính trị.

Không được bỏ qua bất cứ nguồn thu nào

Nhìn từ các nước lân cận, Thái Lan đã thực hiện miễn visa cho du khách từ 80 nước khác nhau trên thế giới, trong đó tới 60 nước thực hiện miễn thị thực đơn phương. Singapore cũng tương tự. Thông thoáng là một trong những lý do khiến các nước bạn hút lượng khách du lịch khủng, hàng chục triệu khách mỗi năm trong khi tiềm năng du lịch của Việt Nam không hề thua kém. Những nghi ngại của Bộ Ngoại giao có phải là lo lắng thái quá?

Nói Thái Lan mở cho 80 nước mà một số ý kiến đã từng phát biểu là không chính xác. Xem xét thực sự thì nhỏ hơn nhiều chỉ độ khoảng 2/3 thôi. Chính sách mở của Thái Lan có đi có lại với một số nước, chỉ một số nước là họ mở đơn phương, công dân Thái phải được đối xử bình đẳng. Còn không Thái Lan giám sát rất chặt chẽ về visa.

Có ý kiến cho rằng, Bộ Ngoại giao không muốn “buông” quy định cấp visa vì có lợi ích gắn trong đó. Phí thu được từ việc cấp thị thực là một nguồn thu mà Bộ Ngoại giao được dùng để cân đối hoạt động của mình và lo thêm đời sống cho cán bộ nhân viên?

Đây là thông tin cần phải xác thực lại, tất cả nguồn thu phải nộp cho ngân sách. Đây phải xác định là nguồn ngân sách nhà nước, phải đóng góp. Có người nói mức thu này chỉ được hơn 10 triệu đô la thì nên bỏ đi để thu được lớn hơn. Nếu bỏ được như thế chúng tôi mừng quá. Nhưng đất nước chúng ta nghèo không được bỏ qua bất cứ nguồn thu nào cho ngân sách. Tiền thu về nộp ngân sách không có chuyện để lo đời sống cho cán bộ ngành ngoại giao.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)