1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Thu ít, chi lớn nên luôn có sức ép”

(Dân trí) - Tân Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã nói như vậy bên lề kì họp Quốc hội. Ông Kiên cũng khẳng định, sự ra đời của Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ giúp cho việc chi tiêu ngân sách được giám sát chặt chẽ hơn...

Không phải đại biểu nào cũng có đủ kiến thức và hiểu biết về lĩnh vực ngân sách. Theo ông phải có biện pháp gì nâng cao trình độ của đại biểu về lĩnh vực khó này?

Chúng tôi đang hoàn chỉnh cuốn sổ tay để giúp đại biểu hiểu về vấn đề có liên quan đến ngân sách, xem xét và quyết định ngân sách.

Chúng tôi triển khai hai dự án để có những chương trình bồi dưỡng kiến thức cho đại biểu QH, nhất là các đại biểu mới và có mở rộng đến đại biểu HĐND cấp tỉnh để tạo ra cầu nối giữa Trung ương và địa phương, giúp vấn đề xây dựng dự toán ngân sách nhà nước đảm bảo sát thực tế và chất lượng ngày càng cao.

Thời gian tới việc phản biện của Ủy ban chuyên môn của QH về ngân sách phải đi theo hướng nào, thưa ông?

Đi sâu vào vấn đề ngân sách rất phức tạp vì vậy phải chọn ra những khâu trọng yếu nhất về nguồn thu và các khoản chi lớn có tính quyết định để tập trung đưa ra những nhận xét xác đáng. Mình không rải đều ra tất cả các nguồn thu và các khoản chi, vì như thế sẽ làm loãng báo cáo phản biện của UB kinh tế.

Nguồn thu ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu thô, thuế nhập khẩu... Trong bối cảnh hội nhập, QH khóa mới có những định hướng thế nào để điều chỉnh vấn đề này?

Phần thu về khoáng sản thô trong đó có dầu thô chiếm tỷ trọng lớn. Những năm trước nguồn thu đó chiếm tới 53-54%, dự kiến 2007 là hơn 40%. Muốn điều chỉnh vấn đề trên, hướng tập trung là phải phát triển công nghiệp chế biến ở trong nước để nâng cao thu nhập, tăng việc làm. Có như vậy mới có khả năng tăng thu ngân sách từ nguồn thu nội địa, giảm thu từ dầu thô.

Việc sử dụng ngân sách phân bổ là vấn đề cử tri các địa phương rất quan tâm. Quốc hội khoá mới có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng ngân sách phân bổ?

Đó là trách nhiệm của cả một hệ thống tổ chức của QH từ các ủy ban đến đại biểu và cơ quan dân cử các cấp, có sự giám sát của nhân dân.

Tôi nghĩ QH đã hình thành thêm một số cơ quan mới, trong đó có cơ quan tài chính - ngân sách và bổ sung thêm các thành viên nên chắc chắn chi tiêu ngân sách sẽ được giám sát chặt chẽ hơn.

Như vậy là việc hình thành ủy ban này sẽ tạo ra thay đổi, tiến gần đến thực quyền của Quốc hội về quyết định vấn đề ngân sách?

Đương nhiên không thể hy vọng việc hình thành này có thể cải thiện ngay được mà cần có một quá trình. Cần sự hợp tác chặt chẽ của các ngành các cấp và sự giám sát của nhân dân để nâng dần chất lượng giám sát ngân sách.

Việc phân bổ ngân sách thường phải chịu sức ép nào, thưa ông?

Theo tôi nghĩ nguồn thu có ít, nhu cầu chi lớn nên luôn có sức ép, sức ép là đương nhiên.

Liên quan đến nhân sự của Quốc hội, rất nhiều các Ủy viên thường vụ Quốc hội cũng như các Phó Chủ tịch là những người mới. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của Quốc hội giai đoạn đầu?

Ngay tôi cũng là người mới vì trước đây tôi hoạt động trong phạm vi hẹp hơn. Tôi nghĩ rằng, với kinh nghiệm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, với sự công tác chặt chẽ, tận tuỵ, trách nhiệm cao của các đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên UB Thường vụ, những gì còn bỡ ngỡ ban đầu, sẽ sớm được khắc phục, sẽ không để khoảng trống nào về thực hiện chức năng nhiệm vụ của Quốc hội nói chung.

Xin cám ơn ông!

Cấn Cường (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm