1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thu hồi 2,5 triệu xe máy “quá đát”: Chặn xe không đảm bảo ra đường

(Dân trí) - “Phải hiểu rằng xe quá đát là xe không đủ điều kiện tham gia giao thông, chứ không phải quá đát là hết ngày, hết giờ, hết niên hạn. Ngăn chặn những phương tiện này là yêu cầu chính đáng” - ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trao đổi.

- Hà Nội đang tính thu hồi 2,5 triệu xe máy “quá đát” (trước năm 2000). Ông có đánh giá như thế nào về việc này?

Việc ngăn chặn xe máy hết niên hạn và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia giao thông là chính đáng, đặc biệt là trong điều kiện Thủ đô có mật độ giao thông rất lớn và mức độ phát thải gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông cơ giới, làm cho chất lượng không khí ở Hà Nội đã lên tới mức báo động. Đây là mong muốn chính đáng và rất có trách nhiệm.

Tôi ủng hộ việc thực thi pháp luật về kiểm tra và bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo vệ môi trường đối với phương tiện.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

- Nhưng hiện nay Việt Nam chưa có quy định niên hạn và kiểm định khí thải. Vậy làm sao để xác định là xe “quá đát”?

Phải hiểu rằng xe quá đát là xe không đủ điều kiện tham gia giao thông, chứ không phải quá đát là hết ngày, hết giờ, hết niên hạn. Phương tiện có thể cũ nhưng điều kiện an toàn kỹ thuật vẫn đảm bảo thì vẫn có thể được vận hành. Ở đây, phải xem xét về điều kiện đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường của phương tiện.

Không nên nghĩ rằng nói hôm nay thì mai làm ngay, phải có lộ trình để đảm bảo quy định được ban hành và được thực thi vào thời điểm chín muồi. Muốn biết niên hạn của xe thì Chính phủ phải ban hành quy định về niên hạn đối với xe máy. Những phương tiện không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật thì đã có quy chuẩn về kỹ thuật đối với mô tô xe máy rồi. Khi thực hiện kiểm định, những phương tiện nào không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật thì không được tham gia giao thông.

- Năm 2012 TPHCM cũng chủ trương muốn thu hồi xe máy "quá đát" nhưng không thành công, sau 5 năm Hà Nội lại đặt ra vấn đề tương tự, trong khi đó đề án về quy định kiểm định đối với xe máy vẫn nằm trên giấy suốt 7 năm qua. Vậy việc "khai tử" xe "quá đát" liệu có khả thi?

Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đưa vào Luật từ năm 2001, nhưng đến năm 2007 mới thực hiện được đồng loạt. Vì thế, từ khi đề xuất, nghiên cứu đến khi có được trọn vẹn điều kiện về quy định để thực thi luôn cần 1 lộ trình, nhưng chúng ta phải đánh giá cao những đòi hỏi từ thực tiễn và đặc biệt là những đòi hỏi này lại được những người có trách nhiệm nêu ra một cách mạnh mẽ, quyết liệt.

Đây là đòi hỏi của thực tiễn phải ngăn chặn xe quá đát, hiện nay có rất nhiều phương tiện không đủ điều kiện vẫn tham gia giao thông, xả khí thải rất độc hại ra môi trường. Nhìn thấy 1 cái, 2 cái thì không sao, nhưng thấy cả trăm xe không đủ điều kiện vẫn đi trên đường thì lại là chuyện khá nên ngăn chặn là yêu cầu chính đáng. Điều này tạo động lực để thúc đẩy các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu về quy định cụ thể cho loại phương tiện này.

Những xe máy từ trước năm 2000 được cho là xe quá đát (ảnh: Nguyễn Dương)
Những xe máy từ trước năm 2000 được cho là xe "quá đát" (ảnh: Nguyễn Dương)

- Hiện nay niên hạn của xe ô tô cá nhân còn chưa có thì nói gì đến niên hạn của xe máy, nhiều nước trên thế giới cũng không đề cập đến niên hạn đối với xe máy?

Khi có yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, đòi hỏi về quản lý thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành nghiên cứu, vì khi nghiên cứu thì sẽ có câu trả lời rằng cần và phải có, phải quy định. Đơn cử như ở Trung Quốc, họ không có quy định về niên hạn đối với xe máy nhưng họ vẫn cấm xe máy tham gia giao thông ở các đô thị lớn.

Ở đây, khI có yêu cầu từ thực tiễn thì cơ quan chức năng phải nghiên cứu để trả lời câu hỏi chúng ta thực hiện quy định như thế nào, điều kiện về phương tiện, trang thiết bị cần thiết để thực hiện, lộ trình ra sao...

- Đại đa số người dân vẫn đang sử dụng xe máy, đặc biệt là nhiều người có thu nhập thấp sử dụng xe máy cũ làm phương tiện mưu sinh, vậy theo ông việc thu hồi sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Đối với người dân, tôi tin rằng bất kỳ người nào tham gia giao thông bằng mô tô xe máy cũng đồng thuận với quan điểm những xe không đảm bảo an toàn thì không nên tham gia giao thông.

- Có ý kiến cho rằng nên dùng giải pháp từ tiền ngân sách nhà nước để mua lại những xe cũ đang được người dân sử dụng để mưu sinh, ông có đồng tình với điều đó?

Thực ra giải pháp này đã được áp dụng rồi, khi mà chúng ta thay thế xe ba bánh tự chế ở khu vực nông thôn theo Nghị quyết 05 của Chính phủ. Trong trường hợp các cơ quan nghiên cứu thấy cần thiết, ngân sách có thể đáp ứng hoặc có một nguồn lực tốt thì đó cũng là giải pháp.

Cá nhân tôi cho rằng trước hết phải ban hành quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện đối với tất các các phương tiện cơ giới.

- Xin cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh