1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Thót tim cảnh người dân ghép cây làm cầu tạm vượt sông trong lũ

(Dân trí) - Lũ lớn đã đánh sập 2 nhịp cầu An Liên bắc qua sông Dinh, gây cô lập 1.200 hộ dân xã An Dũng, An Vinh (huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Hiện để đi lại người dân phải dùng thân cây ghép thành cầu tạm, "đánh đu" qua sông trong nước lũ lớn.

Chiều 2/11, ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện An Lão (tỉnh Bình Định) cho biết, sau bão số 5, từ sáng 31/10 trên sông Dinh xuất hiện trận lũ lớn đánh sập 2 nhịp cầu An Liên (xã An Dũng).

Thót tim cảnh người dân ghép cây làm cầu tạm vượt sông trong lũ - 1

Cảnh người dân vượt sông trong lũ khiến ai chứng kiến cũng thót tim.

Đây được xem là tuyến giao thông “độc đạo” nối xã An Dũng và An Vinh về trung tâm huyện An Lão.

Theo ông Nam, cầu An Liên xây dựng đã lâu, hiện xuống cấp nặng. Tuy nhiên, cầu nằm trong dự án hồ Đồng Mít và cũng đã có kế hoạch di dời 499 hộ dân của xã An Dũng trong năm tới nên không làm cầu kiên cố.

Hiện 1.200 hộ dân 2 xã An Dũng và An Vinh bị cô lập nên người dân đã ghép cây bắc qua các nhịp cầu gãy để vượt qua sông.

Thót tim cảnh người dân ghép cây làm cầu tạm vượt sông trong lũ - 2
Thót tim cảnh người dân ghép cây làm cầu tạm vượt sông trong lũ - 3
Thót tim cảnh người dân ghép cây làm cầu tạm vượt sông trong lũ - 4
Cảnh người dân vượt sông trong lũ khiến ai chứng kiến cũng thót tim.

“Biết là nguy hiểm nhưng nhu cầu đi lại của bà con rất lớn nên không còn cách nào khác. Hiện giờ nước lũ đang xuống chậm, người dân có thể qua lại bằng cầu tạm nhưng xe máy thì chưa qua được. Địa phương cũng đã cử lực lượng xuống để trực tại cầu hướng dẫn bà con đi lại”, ông Nam cho biết.

Thót tim cảnh người dân ghép cây làm cầu tạm vượt sông trong lũ - 5
Biết nguy hiểm nhưng người dân vẫn liều mình vượt qua vì đây là tuyến đường "độc đạo" nối với trung tâm huyện.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch UBND xã An Dũng cho biết: “Từ khi cầu sập đến nay, đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiện nước sông vẫn lớn, chảy xiết nên việc đi lại của bà con rất nguy hiểm. Đến nay, thầy cô giáo và học sinh chưa thể đến trường vì lũ chia cắt”.

Doãn Công