Thông tin giáo dục gây “bão” trong phiên họp của UBTV Quốc hội
(Dân trí) - Sáng 20/9, Uỷ ban thường vụ (UBTV) Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Những thông tin được đưa ra có thể không quá mới mẻ nhưng vẫn khiến những người dự phiên họp phải “giật mình thon thót” vì lo cho nền giáo dục nước nhà.
Tiêu cực giáo dục phản ánh sự xuống cấp đạo đức xã hội
Theo báo cáo của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, tính đến năm 2005, cả nước có khoảng 979.500 nhà giáo trong đó có khoảng 844.000 nhà giáo ở các trường công lập và khoảng 135.500 nhà giáo ở các trường ngoài công lập.
Điều đặc biệt là tỷ lệ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ mới đạt 76-80%. Tỷ lệ giáo viên phổ thông không đáp ứng được yêu cầu chuyên muôn hiện nay ở tiểu học là 23,8%, THCS là 11,6%, THPT là 19,1%. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt yêu cầu về năng lực sư phạm trong khoảng 20%.
Còn theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn về đạo đức ở các cấp phổ thông từ 3-5%, ở THCS là 2,7% và THPT là 3,8%. Đội ngũ giảng viên đại học đạt trung bình 27SV/giảng viên, trong khi tỷ lệ này ở các nước thường là 15-20SV/giảng viên.
Về tình hình đạo đức của những nhà giáo, vấn đề đang trở nên đặc biệt nổi cộm sau những vụ việc “đổi tình lấy điểm”, “cắt xén phần cơm của trẻ” được dành một phần nhỏ trong bản báo cáo: “Một bộ phận nhà giáo thiếu gương mẫu, không đấu tranh với những gian dối trong giáo dục, thậm chí còn bị lôi cuốn, thoả hiệp tham gia vào những tiêu cực trong thi cử, đánh giá luận văn, luận án tốt nghiệp”.
Về đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), bản báo cáo viết: “Có một bộ phận CBQLGD tham gia vào các hiện tượng tiêu cực, tiếp tay cho người học thực hiện gian dối trong học tập, đặc biệt nghiêm trọng ở các lớp học tại chức liên kết giữa các cơ quan chính quyền với các trường đại học”. Kết quả là “bằng cấp thì tăng nhưng kiến thức của không ít người đi học thì không tăng bao nhiêu. Việc học của cha mẹ như vậy thì việc chạy điểm cho con là điều dễ hiểu nhưng hậu quả để lại cho sự trưởng thành của con cái như thế nào thì thật khó lường”.
Kết luận về thực trạng tình hình đội ngũ CBQLGD, bản báo cáo khẳng định “sự tiêu cực trong giáo dục cũng là một biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức xã hội. Vì vậy việc đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục phải là những biện pháp đồng bộ mà không chỉ ở trong ngành giáo dục mà phải xem xét trong cả các quan hệ xã hội”.
Nguyên nhân không đơn giản chỉ vì tiền
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ý không đồng tình với những nguyên nhân mà bản báo cáo của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đưa ra. Đại biểu Tào Hữu Phùng cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa của tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhà giáo không thể đổ lỗi cho thu nhập thấp. Nói vậy thì cả xã hội nhìn vào, nói rằng Quốc hội thu nhập thấp thì đại biểu quốc hội phải đi tham nhũng sao? Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là vấn đề giáo dục nhân cách, phẩm cách lương tâm của người thầy có vấn đề”.
Về vấn đề “đội ngũ giáo viên đại học vừa thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, trình độ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên đầu đàn đang bị hẫng hụt”, ông Tào Hữu Phùng cho rằng chất lượng đào tạo đại học và sau đại học là có vấn đề. “Chuyện thuê viết luận văn đã phổ biến, chuyện “đi” cô “đi” thầy nhờ thi cử không còn là cá biệt”.
Cùng chung quan điểm với đại biểu Tào Hữu Phùng, đại biểu Hoàng Anh Phú đặt câu hỏi: “Thiếu giáo viên là do đâu? Đó là vì chúng ta phát triển quy mô giáo dục không theo quy hoạch. Đào tạo tràn lan, mọi người đua nhau đi học đại học. Chung quy lại cũng là vì quy mô đi quá nhu cầu và không theo quy hoạch nào cả.
Mặt khác cũng phải xem đến cơ chế tuyển chọn cán bộ. Ở đâu cũng đòi tuyển đại học nên người ta phải đổ xô đi học đại học trong khi tuyển chọn cán bộ, khâu quan trọng nhất là năng lực. Điều này gây ra hậu quả rất lớn. Tôi biết có nhiều trường hợp học qua đại học, thậm chí trên đại học những khi đến cơ quan doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đào tạo lại”.
Phạm Hưng