1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thống nhất đổi bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế trực tuyến trên toàn quốc

(Dân trí) - Gần 1 triệu bộ hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, 2,6 triệu trường hợp cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế mỗi năm, 4.800 trẻ em sinh ra mỗi ngày cần khai sinh… sẽ chuyển sang làm thủ tục trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thống nhất đổi bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế trực tuyến trên toàn quốc - 1
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các cơ quan tham gia cuộc họp báo.

Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia sáng 7/12. Cổng dịch vụ công sẽ chính thức vận hành từ ngày 9/12/2019, cung cấp trước hết 8 loại dịch vụ được lựa chọn, triển khai trên toàn quốc.

Cụ thể, có 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: Đổi giấy phép lái xe, Thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), Dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Có 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ gồm: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế, Đăng ký khuyến mãi, Nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TPHCM là Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng là Đăng ký khai sinh… cũng được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cũng thông tin, trong Quý I năm 2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Ông Phan lý giải, những dịch vụ được lựa chọn tích hợp lên cổng có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở lựa chọn, các dịch vụ công đó được tái cấu trúc, cải tiến quy trình và nâng cấp, tăng tính năng hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn so với việc thực hiện dịch vụ công tại thời điểm hiện tại.

Ông Phan dẫn chứng, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, trong năm 2018, có 965.000 hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe cần thực hiện, thêm 7.000 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép lái xe quốc tế. Cũng trong năm này, Bộ Công Thương cần giải quyết trên 2 triệu bộ hồ sơ đăng ký khuyến mại. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải xử lý 2,6 triệu hồ sơ cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế mỗi năm. Điện lực Việt Nam phải giải quyết yêu cầu cấp điện cho 1,2 triệu khách hàng mới (cả nhu cầu cấp điện hạ áp của người dân và điện trung áp của doanh nghiệp). Riêng thủ tục đăng ký khai sinh, các cơ quan cũng phải giải quyết lượng hồ sơ tương đương 4.800 trẻ được sinh ra mỗi ngày…

Việc thực hiện các thủ tục này qua môi trường trực tuyến, thông qua cổng dịch vụ công quốc gia sẽ giúp tiết kiệm 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này được khẳng định, sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, cổng dịch vụ công quốc gia với các nền tảng, dữ liệu dùng chung cũng sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.

Cổng dịch vụ công quốc gia hướng tới việc số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên hiệp quốc.

Cổng dịch vụ công quốc gia được vận hành trên hệ thống công nghệ Vnconect do Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển theo yêu cầu của Chính phủ.

Tại cuộc họp báo, vấn đề an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, giải pháp đảm bảo vận hành hệ thống được báo giới đặt ra với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.

Thống nhất đổi bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế trực tuyến trên toàn quốc - 2
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời các câu hỏi đặt ra về việc vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng đoàn chuyên gia Pháp Hever La Bars (đơn vị tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống) cho biết, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia thành công hay không, việc làm sao để người dân tin tưởng vào hệ thống là vấn đề cốt lõi quyết định. Đây cũng là vấn đề từng đặt ra với Pháp khi xây dựng hệ thống tương tự.

Đánh giá cả nhóm chuyên gia, lựa chọn công nghệ dựa trên nền tảng hệ thống Vnconect mà VNPT phát triển là một lựa chọn tốt vì đây là một trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3, đảm bảo khả năng xử lý dữ liệu lớn. Thực tế, VNPT hiện đang quản lý thông suốt mạng lưới 30 triệu người dùng với hệ thống này.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định thêm, hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia kế thừa thành quả phát triển của những nước tiên tiến, trong đó có Pháp. Trước mắt, Chính phủ cũng sẽ thực hiện việc đánh giá trải nghiệm của người dân qua thực tế triển khai thủ tục để tiếp tục hoàn thiện hệ thống. Mỗi người dùng sẽ được “định danh” cụ thể qua số điện thoại, mã số thẻ Bảo hiểm xã hội (với cá nhân), mã số thuế (với doanh nghiệp) để tối đa hóa khả năng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người giao dịch.

Phương Thảo