1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thông báo Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Trung ương (Khoá X)

(Dân trí) - Ngày 14/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ( khóa X) đã ra Thông báo Hội nghị lần thứ 13. Dân trí xin giới thiệu toàn văn thông báo của Hội nghị.

Thông báo Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Trung ương (Khoá X) - 1
TBT Nông Đức Mạnh phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị TƯ lần thứ 13
 
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, trong các ngày từ 07 đến 14-10-2010, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã họp Hội nghị lần thứ 13 để xem xét kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2011 - 2015; tổng kết việc thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường và kiến nghị chủ trương tiếp theo; thảo luận bước đầu về phương án nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội XI, cùng một số vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì, khai mạc và bế mạc Hội nghị.

1- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 của Ban cán sự đảng Chính phủ, thống nhất đánh giá : Năm 2010, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực phấn đấu để đạt mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội Đại hội X đã đề ra. Nền kinh tế phục hồi nhanh. Tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn, mức tăng GDP cả năm ước đạt 6,7%. Nông nghiệp phát triển ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo. Giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng trưởng cao hơn năm 2009, xấp xỉ thời kỳ phát triển ổn định; các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, bảo đảm chủ động các nhu cầu chi tiêu. Tổng chi ngân sách nhà nước tăng so với năm 2009 và kế hoạch năm 2010, bội chi ngân sách giảm so với năm 2009 và kế hoạch năm 2010. Nợ chính phủ, nợ quốc gia nằm trong giới hạn an toàn. Đã huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển. Lạm phát được khống chế ở mức khoảng 7 - 8%. Xuất khẩu tăng cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch, nhập siêu giảm, giảm bớt thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. An sinh xã hội tiếp tục được chăm lo tốt hơn. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2010 còn có những hạn chế, yếu kém : Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; phát triển công nghiệp phụ trợ chưa được quan tâm đúng mức; hiệu quả đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, hạ tầng đô thị yếu kém; cung ứng điện chưa đảm bảo, các giải pháp để giảm nhập siêu, khuyến khích dùng hàng trong nước kết quả còn hạn chế; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; chi tiêu ngân sách còn lãng phí; ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, bội chi còn cao, cán cân tổng thể thâm thụt; lãi suất cho vay cao, vốn cho sản xuất kinh doanh còn căng thẳng; chất lượng giáo dục chuyển biến chậm, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn nhiều hạn chế; giảm nghèo chưa bền vững. Tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn nhiều; chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng gây phiền hà trong bộ máy hành chính, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi... Về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, Ban Chấp hành Trung ương xác định bên cạnh nguyên nhân khách quan thì khuyết điểm chủ quan trong quản lý ở các cấp, các ngành là nguyên nhân trực tiếp.
 
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, xác định mục tiêu và những chỉ tiêu cơ bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011. Mục tiêu tổng quát là : Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, gắn với chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế... Các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản được xác định là : GDP tăng 7 - 7,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; giảm tỉ lệ nhập siêu xuống dưới 20% kim ngạch xuất khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 40% GDP; chỉ số tăng giá tiêu dùng khoảng 7%; giảm tỉ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; bội chi ngân sách nhà nước bằng 5,5% GDP...
 
Ban Chấp hành Trung ương đã phân tích, xác định nhiệm vụ, định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực : kinh tế, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo , an sinh xã hội, tài nguyên môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế và đề ra 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2011 : (1) Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; (2) Thực hiện các biện pháp chính sách tài chính, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (3) Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; (4) Tăng cường các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu; (5) Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; (6) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước.
Trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung thêm vào các báo cáo, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong kỳ họp tới.
2- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2006 - 2010 và thống nhất nhận định : Trong 5 năm qua, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, nước ta đã tranh thủ được thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển; tiềm lực và quy mô nền kinh tế tiếp tục tăng lên; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm ước đạt 7%; GDP theo giá thực tế tính theo đầu người năm 2010 dự kiến đạt 1.160 USD, vượt kế hoạch đề ra; cán cân kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiềm chế; an ninh tài chính quốc gia được bảo đảm; tỉ lệ huy động ngân sách nhà nước bình quân 5 năm 28% GDP, bảo đảm nhu cầu chi ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực một cách chủ động; nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn; huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện; giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%; đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, có kết quả bước đầu. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín quốc tế của đất nước tiếp tục được nâng cao.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kinh tế phát triển chưa bền vững; các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; sử dụng vốn chưa thật sự hiệu quả; bội chi ngân sách còn lớn; nhập siêu cao; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa tốt. Môi trường đang bị ô nhiễm. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước thấp; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn thiếu đồng bộ; lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế còn nhiều bất cập, một số vấn đề bức xúc chậm được giải quyết. Vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội. Những hạn chế, yếu kém trên, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy phát triển kinh tế - xã hội và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới. Hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế. Tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém. Quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 20 11 - 2015; tập trung vào các nội dung : Quan điểm phát triển; mục tiêu và những khâu đột phá; nhiệm vụ định hướng phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế; tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm. Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm là : Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính trị, xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ và kỷ cương. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 : Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 7,5%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.000 USD, tăng 1,7 lần năm 2010; năng suất lao động năm 2015 gấp 2 lần năm 2010. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, kiểm soát nhập siêu đến năm 2015 còn dưới 15% kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 40% GDP. Giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, bình quân 5 năm ở mức dưới 5% GDP, phấn đấu đến năm 2015 còn 4,5%. Giữ mức nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 55% tổng lao động xã hội; tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, tỉ lệ che phủ rừng vào năm 2015 đạt 42%. Đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới...

Ban Chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ định hướng phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế với 12 nội dung lớn : (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định lành mạnh kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế. (2) Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp. (3) Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp. (4) Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh. (5) Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; hình thành một bước cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. (6) Phát triển hài hoà, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới; thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn. (7) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo nhiều việc làm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng. (8) Phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển thể chất con người Việt Nam . (9) Đổi mới toàn diện và phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (10) Phát triển khoa học - công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh, bền vững. (11) Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. (12) Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Trong đó xác định 3 khâu đột phá là : (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã khẳng định yêu cầu cần thiết của việc tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm đảm bảo cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển đã đề ra.

Trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung vào các báo cáo, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng, chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo để trình Quốc hội khoá mới vào năm 2011.

3- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận Báo cáo "Tổng kết bước một và xin chủ trương mở rộng thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường" và thống nhất nhận định : Sau hơn một năm thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố, bước đầu đạt một số mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) đề ra; tạo được sự chuyển biến trong cải cách hành chính nhằm từng bước tổ chức hợp lý chính quyền địa phương; bước đầu phân biệt về bộ máy, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền đô thị và nông thôn; hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ cấp tỉnh xuống cơ sở, từng bước đảm bảo tính thống nhất, thông suốt; thực hiện đúng nguyên tắc tập thể trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của uỷ ban nhân dân; đồng thời, phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính; hình thức dân chủ trực tiếp của người dân từng bước được phát huy thông qua hội nghị đối thoại trực tiếp; kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường đã làm giảm đi một số cấp đại diện của người dân. Tổ chức bộ máy, đội ngũ đại biểu, cán bộ, công chức, cơ chế hoạt động của hội đồng nhân dân tỉnh chưa có những đổi mới nhằm thay thế hữu hiệu vai trò của hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, nhằm bảo đảm sự sâu sát, gần gũi với người dân ở cơ sở, đặc biệt là tại các phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (do không tổ chức cả hội đồng nhân dân quận và phường). Việc tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân trên địa bàn quận, huyện, phường chưa có quy định giao cho tổ chức nào thay thế. Thiếu sự hướng dẫn của thường trực hội đồng nhân dân huyện nên tạo ra lúng túng cho hoạt động của hội đồng nhân dân xã, thị trấn. Việc giám sát của hội đồng nhân dân tỉnh, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp đối với hoạt động của uỷ ban nhân dân, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân quận, huyện còn lúng túng, chưa thường xuyên, sâu sát như trước đây.
Trên cơ sở phân tích những kết quả và hạn chế sau hơn một năm thí điểm, Ban Chấp hành Trung ương thấy rằng thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, cần được tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp; thời gian thí điểm ngắn, chưa đánh giá hết được những ưu điểm, khuyết điểm, những vấn đề phát sinh. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố theo Nghị quyết 26/2008/QH12, ngày 15-11-2008 của Quốc hội khoá XII trong thời gian tới.

Trong quá trình thảo luận, có một số ý kiến đóng góp, bổ sung vào những đánh giá mặt được, chưa được sau một năm làm thí điểm, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
4- Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và quyết định một bước quan trọng về phương án nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XI để trình Đại hội XI của Đảng. Hội nghị đã dành nhiều thời gian phân tích kỹ về yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng, độ tuổi, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khoá mới. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị tiếp thu ý kiến của Trung ương chỉ đạo tiếp tục chuẩn bị phương án nhân sự để trình Hội nghị Trung ương 14.
 
5- Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình bằng hình thức cảnh cáo, để đồng chí Đinh Văn Hùng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, nghỉ công tác để nghỉ hưu, do có các khuyết điểm, vi phạm : (1) Với cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, đồng chí chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm của Thường trực Tỉnh uỷ trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và công tác cán bộ; (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, phương thức lãnh đạo của Đảng, Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ, Quy định số 51-QĐ/TW của Ban Bí thư; (3) Vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, cấp uỷ viên và phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân nỗ lực phấn đấu, phát huy những thành tích đã đạt được trong 9 tháng qua, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2010, Nghị quyết Đại hội X của Đảng; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp những ý kiến tâm huyết, giàu trí tuệ, tinh thần xây dựng cao cho các dự thảo văn kiện Đại hội XI; thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội XI của Đảng.

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm