1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Thôn nghèo mơ một cây cầu

(Dân trí) - Mấy chục năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Ngân Hà bị ngăn cách với bên ngoài bởi con sông Tứ Câu khiến việc đi lại, giao thương buôn bán, việc học của đám trẻ nơi đây hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão.

Thôn Ngân Hà (xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) có 205 hộ với 890 khẩu. Nơi đây trong chiến tranh là một trong những vùng ác liệt nhất của huyện Điện Bàn. Trưởng thôn Nguyễn Hữu Phương cho biết: Cả thôn có 120 liệt sĩ, 34 Mẹ VNAH, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang và 1 Anh hùng lao động. Oanh liệt là thế nhưng vì mấy chục năm nay không có một cây cầu nối ra "thế giới bên ngoài" nên cuộc sống của đa số người dân vùng đất anh hùng ấy hết sức khó khăn, nhất là nỗi khổ của bao nhiêu em học sinh ngày ngày đi đò tới trường.
 
Thôn nghèo mơ một cây cầu - 1

Vì không có cầu nên mấy chục năm nay, thôn Ngân Hà bị biệt lập, cách trở với trung tâm xã. Mỗi ngày hàng trăm công nhân, người dân cùng học sinh phải đi trên chiếc đò mỏng manh với vài chiếc phao "lấy lệ" qua xã làm việc, học hành...

Ông lái đò Nguyễn Hữu Nông đã 16 năm nay chèo lái con đò mỏng manh đưa người sang sông, cũng đã muốn nghỉ từ lâu nhưng “nghỉ thì không biết ai thay” nên vẫn đành bám trụ.

Vừa khua mái chèo, ông vừa tâm sự: "Mỗi ngày tôi đưa khoảng 300 người sang sông, cứ thế mà đã 16 năm nay. Cũng may từ đó tới nay không có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng mong chính quyền xây cho dân ở đây cây cầu để đi cho an toàn.
 
Thôn nghèo mơ một cây cầu - 2

Hàng ngày, hàng trăm công nhân và người dân cùng học sinh thôn Ngân Hà cùng qua sông trên chiếc đò bé tẹo này.

Bến sông mỗi ngày lại sạt lở thêm, tuổi ông lái đò đã dần yếu mà lượng người qua đò ngày một tăng. Ông lái đò Nguyễn Hữu Nông nhẩm tính: "Địa phương cho tôi mỗi tháng 700 ngàn, đưa khách sang sông người nào có tiền thì đưa, không có thì thôi, học sinh thì được miễn. Mỗi tháng tôi thu nhập cũng được gần 1,5 triệu, đủ để nuôi bản thân. Dù thế tôi vẫn muốn “thất nghiệp” cho rồi. Không có việc làm nhưng có cây cầu cho dân đi là tôi vui".

Trưởng thôn Nguyễn Hữu Phương bảo: Sợ nhất là thôn có đám ma. Vì nghĩa trang của thôn nằm bên kia sông nên mỗi lần trong thôn có đám ma là cả một vấn đề. Nếu chở bằng ghe thì phải huy động cả chục chiếc, mà có khi lại không đảm bảo, lỡ đang chở quan tài trên sông mà rớt xuống thì biết nói làm sao. Còn nếu chở đi vòng vào Hội An rồi lại vòng ra thì dài gần 20 cây số. Khổ trăm bề.

Lại nữa, thôn có hàng trăm công nhân đi làm ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc, mỗi ngày cũng phải qua đò. Buổi sáng người và xe đạp, xe máy chen chúc nhau trên chiếc đò bé xíu trông thôi đã sợ, không biết “hà bá” nuốt lúc nào.
 
Tội nhất là các em học sinh. Ông trưởng thôn cho biết thôn có gần 100 em từ mẫu giáo đến cấp 3, các hộ ở gần xã Điện Thắng Trung thì đưa con lên đó học, còn những hộ ở ven sông thì không còn cách nào khác phải qua đò đến trường. Tuy nhiên, mỗi khi có bão lũ thì phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Thôn nghèo mơ một cây cầu - 3

Mong một cây cầu để người dân đi đỡ vất vả

Mong ước có một cây cầu là ước mơ cháy bỏng của người dân Ngân Hà. Ông Lê Văn Lung, nhà ở ngay đầu bến đò thôn Ngân Hà, tâm sự: "Tôi sống ở đây đã mấy chục năm, cũng như những người khác muốn có cây cầu để người qua sông, công nhân đi làm, học sinh đi học, làm ra mớ rau hạt lúa vận chuyển cũng thuận lợi".

Cũng theo ông Lung, nhiều người dân xuất thân từ thôn đi làm ăn xa nay về quê hương muốn đóng góp để xây cầu tạm cho bà con mình đi nhưng vì vướng nhiều thủ tục và nhất là đây là tuyến sông lớn, ghe chở cát sạn và tàu đánh cá của ngư dân về núp bão nên không thể làm cầu tạm được. Nếu nhà nước xây cầu họ sẵn sàng ủng hộ kinh phí.

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch xã Điện Ngọc Trần Duy Nghĩa cho biết, tháng 8/2010, xã đã có tờ trình gửi huyện và tỉnh xin kinh phí khoảng 5 tỉ xây cầu với chiều dài 120m, rộng 3m nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, theo lời Chủ tịch xã, người dân sẵn sàng đóng góp để có cầu đi.

“Bằng mọi giá trong năm nay chúng tôi phải xây bằng được cây cầu cho người dân thôn Ngân Hà. Xã sẽ bỏ ra 1 tỉ và đi vận động các doanh nghiệp cùng người dân để đủ kinh phí xây cầu. Có cầu, dân Ngân Hà mới phát triển kinh tế được”, Chủ tịch xã Điện Ngọc hạ quyết tâm.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm