Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối cho Việt Nam tiếp cận thị trường EU và Trung Đông
(Dân trí) - Theo Đại sứ Đỗ Sơn Hải, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ cho Thổ Nhĩ Kỳ chạm tới khu vực ASEAN.
Nhiều ý nghĩa quan trọng trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thổ Nhĩ Kỳ được Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải khi chia sẻ với báo chí.
Tối 28/11 theo giờ địa phương (rạng sáng 29/11 giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Esenboga của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này.
Kinh tế - thương mại - đầu tư là ưu tiên hàng đầu
"Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới nước Thổ Nhĩ Kỳ lần này đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một vị Thủ tướng Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh hai nước đang có những hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương", Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhấn mạnh.
Theo ông, chuyến thăm không chỉ khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ của Đảng, Nhà nước Việt Nam, mà còn tạo dựng những nền tảng cơ sở, có tính định hướng cho những bước phát triển tiếp theo.
"Một trong những nội dung chính của chuyến thăm là kinh tế, thương mại", Đại sứ Đỗ Sơn Hải cho biết Thủ tướng sẽ phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam. Việc này cho thấy mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp quan tâm tới Việt Nam, kéo gần hơn cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Kỳ vọng quan hệ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những sự thay đổi về chất trong thời gian tới, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhấn mạnh nhiều nội dung hợp tác mới đang được mở rộng, được hai bên trao đổi thường xuyên ở nhiều cấp, trong đó bao gồm hợp tác về an ninh - quốc phòng.
"Với nhiều dư địa phát triển, hợp tác kinh tế thương mại được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc. Nếu tận dụng tốt, Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chạm tới khu vực ASEAN đang phát triển nhanh chóng", theo lời Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông chia sẻ cũng rất kỳ vọng vào yếu tố đầu tư, bởi với thế mạnh trong xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch và công nghệ của Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có thể tăng cường trao đổi, có các dự án chung đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, theo Đại sứ, hợp tác về văn hóa, du lịch có rất nhiều tiềm năng. Hai nước đều có lịch sử văn hóa hào hùng, những địa điểm, di tích lịch sử quan trọng hay thiên nhiên hùng vĩ.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định trong chuyến thăm lần này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, kinh tế - thương mại - đầu tư chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó là các lĩnh vực khác như du lịch, giáo dục, an ninh, quốc phòng.
Nhìn nhận sẽ còn rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình hợp tác, song Đại sứ Đỗ Sơn Hải cho rằng sự tin cậy, nỗ lực thúc đẩy hợp tác sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục những vấn đề nảy sinh.
Việt Nam là đối tác tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ
Điểm lại những dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ Đỗ Sơn Hải đánh giá trong 45 năm qua, quan hệ hai nước đã có nhiều thành tích nổi bật, phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Về đối ngoại, hai nước giữ quan hệ gần gũi, duy trì các chuyến thăm, làm việc các cấp với tần suất ngày một cao hơn. Sau khi hai quốc gia nâng tầm quan hệ và mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau, các chuyến thăm cấp bộ trưởng, các cuộc họp ủy ban kinh tế hỗn hợp liên quan đến các lĩnh vực hợp tác hai bên được tổ chức. Các trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng đạt được nhiều bước tiến.
Đặc biệt, theo Đại sứ, nhân dân hai nước ngày càng quan tâm đến nhau nhiều hơn, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ trong những thời khắc khó khăn. Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua giai đoạn đại dịch Covid-19, hay hai đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam tới giúp đỡ khắc phục thảm họa động đất tháng 2/2023 là những minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần "tương thân tương ái" giữa hai nước.
Về kinh tế, năm 2017 đã đánh dấu mốc lịch sử trong trao đổi thương mại, khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,2 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong số các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Malaysia.
"Đại dịch Covid đã tác động không nhỏ tới thương mại song phương, năm 2021 chỉ đạt 1,6 tỷ USD, năm 2022 kim ngạch thương mại có dấu hiệu hồi phục, đạt hơn 2 tỷ USD", Đại sứ cho biết.
Quan trọng hơn, ông chia sẻ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ xem nhau là đối tác kinh tế quan trọng, tin cậy, nhiều tiềm năng, và là cửa ngõ để tiếp cận với thị trường khu vực xung quanh.
Trong năm 2019 và 2022, Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt công bố "Sáng kiến châu Á mới" và "Chiến lược tăng cường thương mại với các quốc gia ở xa", trong đó đều đề cập tới ASEAN và Việt Nam là đối tác tiềm năng.
Với Việt Nam, đề án phát triển quan hệ Việt Nam và khu vực Trung Đông - Châu Phi luôn đặt Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí có tầm ảnh hưởng lớn về kinh tế tới khu vực.
Hoài Thu (Từ Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ)