1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hậu Giang:

Thợ lặn 1 chân đại tài ở miền Tây

(Dân trí) - Ngay từ nhỏ, chân phải ông Tân đã bị teo. Dù “bánh lái” chỉ còn một nửa nhưng ông Tân vẫn đến với nghề thợ lặn, chuyên trục vớt ghe tàu cho người dân ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) và những vùng lân cận, nổi danh khắp các tỉnh miền Tây.

Quyết “ăn thua” với “hà bá”

Người thợ lặn đại tài ấy là ông Hồ Tân hiện sống tại khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Qua 35 năm “kết bạn” với “thuỷ thần”, đến nay ông Hồ Tân là một tay thợ lặn nức tiếng cả vùng ĐBSCL. Vì thế ở đâu có ghe xuồng gặp nạn trên sông là người ta chạy tới nhờ ông, mong “vớt vát” được vài món đồ khi ghe tàu bị đắm.

Ở cái tuổi 53 nhưng ông Hồ Tân vẫn còn khỏe mạnh. ông Tân chia sẻ: “Sống ở miền sông nước này, cái ghe, cái xuồng là cả gia nghiệp của người dân nơi đây. Lỡ sóng gió hay gặp con nước dữ ghe bị chìm thì coi như mất trắng. Bởi vậy, mình học được nghề lặn như là niềm hy vọng cho những khổ chủ không may bị “hà bá” nuốt chửng tài sản; khi đó mình phải toàn lực giúp đỡ người ta”.

Ông Hồ Tân sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, không đất đai nhà cửa nên ai cũng nghèo khó. Riêng ông Hồ Tân lên 4 tuổi thì bị sốt bại liệt, chân phải cứ tê dại rồi teo tóp dần nên mọi việc đi lại ông phải nhờ cây nạng gỗ.

Chỉ cần ngậm cái ống hơi như thế này, ông Hồ Tân có thể ngâm mình dưới nước hơn 40 phút

Chỉ cần ngậm cái ống hơi như thế này, ông Hồ Tân có thể ngâm mình dưới nước hơn 40 phút

Tuy nhiên, ông Tân không đầu hàng số phận, ông ra sức luyện tập để việc đi lại và sinh hoạt mà không nhờ người thân giúp đỡ. Nhưng làm sao để mưu sinh, tự lo cho mình khi bản thân bị tật nguyền, chữ nghĩa và vốn liếng chẳng có? Trong lúc đang tìm kế mưu sinh, nhiều lần ông Tân chứng kiến cảnh ghe tàu bị chìm, người dân mất hết tài sản, cụt đường sinh sống, ông Tân quyết định đến với nghề thợ lặn.

Năm ông Tân 18 tuổi, anh em trong nhà tập bơi cho ông. Sau bao ngày luyện tập vất vả, có khi uống nước no bụng, cuối cùng ông cũng biết bơi và điều đặc biệt là dù ông chỉ có một chân khỏe mạnh nhưng bơi lội giỏi hơn người khác và còn dám lặn sâu xuống tận đáy sông - nơi ít ai dám bén mảng tới.

Thế là cái duyên thợ lặn đến với ông, sống tại ngã bảy sông, nơi giao nhau của các con sông lớn đổ về nên không ít trường hợp xuồng ghe của người dân bị chìm. Không sợ nguy hiểm, ông lao ra cứu người, vớt đồ đạc, tài sản, ghe chìm... Công việc không ai dám làm chỉ có mình ông đảm nhiệm. Nghề thợ lặn gắn với ông cho đến ngày hôm nay, tính ra cũng 35 năm.

Tiếng lành đồn xa, nơi nào có xuồng ghe gặp nạn là ông có mặt, có khi ông sang Cần Thơ, có khi xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu để trục vớt ghe xuồng. Điều ông vẫn giữ xưa nay là không bao giờ ra giá đối với người gặp nạn, có khi ông không lấy tiền, có khi người được giúp đỡ cảm kích trả ơn bằng gói thuốc lá hay vài xị rượu đế để ông “giữ ấm”. Thế là đủ.

Có “tật”, có tài và có tâm

Ông Tân ngậm cái ống hơi bằng ngón tay rồi nhảy ùm xuống sông và ở dưới gần 40 phút mới ngoi lên. Có khi ông ở dưới đáy sông cả buổi để lần mò trục vớt ghe xuồng, tài sản cho người bị nạn.

Nghề thợ lặn, dù sông hay biển, vùng nước nông hay sâu thì một êkip lặn bao giờ cũng có từ 3- 4 người. Trong đó có người lái ghe, người canh máy dưỡng khí, người cầm dây tín hiệu liên lạc với thợ lặn... Còn ông Tân hành nghề chỉ một mình với chiếc máy bơm được đặt trên ghe. Hỏi bí quyết, ông cười khà khà: “Tôi lặn chỉ cần trên người mặc cái quần xà lỏn cùng cái ống hơi là đủ, làm riết rồi quen, chứ mang nhiều đồ đạc trên mình bị vướng. Nếu lặn “mình không” tôi có thể len lỏi và các ngóc ngách để vớt đồ đạc, máy móc cho người ta dễ dàng hơn chứ chẳng có bí quyết gì cả”.

Anh Trần Văn Tốt, người dân ở thị xã Ngã Bảy cho biết: "Ghe xuồng bị nạn nếu gặp ông Tân là khỏi lo, ổng vớt lên nhanh cấp kỳ. Làm cái nghề nguy hiểm vậy nhưng ông không bao giờ làm khó người ta về chuyện tiền bạc hay ơn nghĩa. Nhất là khi gặp người nghèo khó, khi vớt xong ông lặng lẽ ra về để người ta khỏi bận bịu chuyện đền ơn".

Chỉ cần ngậm cái ống hơi như thế này, ông Hồ Tân có thể ngâm mình dưới nước hơn 40 phút

Với 35 trong nghề, ông Tân trục vớt cả ngàn ghe xuồng bị chìm ở miền Tây, nhưng cuộc sống gia đình ông thì vẫn bấp bênh trên chiếc chiếc ghe cỏn con như thế này

Ông Tân bắt đầu “nổi danh” từ năm 2006 khi một chiếc tàu nặng hàng chục tấn bị chìm ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Tàu nặng chìm ở đoạn sông sâu nên những thợ lặn khác đành bó tay. Nghe danh Hồ Tân, chủ tàu tìm đến và nhờ ông cứu giúp. Một mình một ghe ông Tân chạy xuống Mỹ Tú, sau khi lặn một hơi dò xét và định vị, ông ngoi lên và gật đầu “cái rụp” nói sẽ vớt tàu lên cho chủ, cứ yên tâm.

Lúc này cánh thợ lặn chuyên nghiệp ở vùng Mỹ Tú cùng nhiều người tỏ ra hoài nghi khi thấy ông thợ lặn chỉ có một chân khỏe mạnh, thân hình cao khoảng 1,5m còn trên ghe trống trơn không có dụng cụ gì mà đòi cứu tàu.

Ngày hôm sau ông lôi trong ghe ra mấy cái thùng phuy rồi nhấn chìm xuống sông, bằng những ngón nghề của mình tích lũy được, ông đưa các thùng phuy này vào bên trong ghe và bắt đầu nổ máy, bơm hơi vào các phuy để đẩy nước ra ngoài, nâng tàu lên. Cứ như thế các thùng phuy được tăng cường thêm, ông lặn hụp để bơm hơi, cân bằng tàu, sau 2 ngày chiếc tàu đã được cứu.

Từ đó tiếng lành của thợ lặn Hồ Tân được vang xa, nơi nào tàu ghe gặp nạn cũng tìm ông cầu cứu. Cứ như thế, một mình một ghe ông rong ruổi khắp các con sông để hành nghề và giúp người.

Hiện ông Tân có một gia đình hạnh phúc. Cô con gái đang học lớp 7, rất ngoan và học giỏi cùng người vợ buôn bán ở Mỹ Tú, Sóc Trăng. Ông Tân tâm sự: “Cái nghề này rài đây mai đó, như cái nghiệp gắn bó với mình nên không ở yên một chỗ. Tôi đi còn vợ con ở nhà lo làm ăn, khi nào cuối tuần con không học thì cùng mẹ lên thăm tôi hoặc lúc nào tôi “thất nghiệp” thì chạy ghe về Sóc Trăng thăm hai mẹ con nó”.

Trao đổi với PV Dân trí ông Đinh Công Phúc - Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Bảy - cho biết: “Qua 35 năm ông Tân gắn bó với nghề thợ lặn đã “giải cứu” cả ngàn trường hợp ghe xuồng gặp nạn, nhưng đến nay cuộc sống gia đình ông vẫn đắp đổi qua ngày. Nhưng điều đáng quý ở ông Tân là chẳng bao giờ câu nệ với khổ chủ chuyện tiền công khi nhận lời trục vớt ghe tàu bị chìm. Thấy cuộc sống ông còn khó khăn, vừa qua, địa phương đã xem xét đưa ông Tân vào danh sách bảo trợ người tàn tật để phụ thêm thu nhập, giúp gia đình ông đỡ chật vật”.
 
Nguyễn Hành