1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thiếu lời giải cho bài toán cấm để xe vỉa hè

(Dân trí) - Qui định về 56 tuyến phố cấm để xe trên hè phố cuả TP Hà Nội được nhiều người hi vọng sẽ khiến bộ mặt đường phố qui củ, đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên, những người kinh doanh trên nhiều tuyến phố lại quan niệm, đẹp nhưng vẫn phải làm ăn được…

Việc kinh doanh sẽ “lao đao”

Dọc tuyến phố Cầu Giấy có khoảng vài trăm cửa hiệu buôn bán, kinh doanh từ nhiều năm nay. Các chủ cửa hiệu ở đây đều chưa hề được biết chính thức về việc sẽ cấm để xe trên hè phố.

“Cấm để xe thì còn buôn bán thế nào được” là câu “buột miệng” của anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ cửa hàng kinh doanh máy phát điện tại 255 Cầu Giấy ngay khi được nghe nói về việc cấm lần này. Theo anh lí luận, ở ta chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, phương tiện đi lại phổ biến nhất là xe máy, nếu cấm để xe trên hè phố người kinh doanh rất lúng túng. Với những cửa hàng mặt tiền rộng và có chiều sâu còn có thể bày biện lại để giữ xe trong nhà, nhưng với những cửa hiệu nhỏ, chật chội thì đành “bó tay”, thậm chí có thể phải đóng cửa.

Theo quyết định số 2053/QĐ-UBND có 56 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường. Theo lộ trình, từ ngày 05 đến ngày 30/06 sẽ nhắc nhở các trường hợp vi phạm tại các tuyến phố, khu vực, địa điểm không được để xe đạp, xe máy, ô tô; Bố trí, sắp xếp điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên các tuyến phố ngoài danh mục không để xe đạp, xe máy, ô tô. Ngày 01/07 tiến hành ra quân kiểm tra, xử lí các trường hợp vi phạm.

Dẫu vậy, theo anh Cường những cửa hiệu đặt xe trong nhà cũng lâm vào tình cảnh khó xoay xở. Với diện tích phổ biến như hiện tại, một cửa hiệu thường chỉ để được 3 xe máy, trong đó có 1 xe của chủ hiệu.

Anh Cường cho biết thêm, trước đây, tại đường Cầu Giấy từng có qui định được phép để xe (do hè rộng từ 4-6m), sau đó lại không cho để rồi lại cho để (dù không công bố). Lúc biển cấm đỗ xe được dựng lên, lúc lại bị… vứt đi.

Anh Cường cũng đặt vấn đề, ở rất nhiều tuyến phố, không ít những cửa hàng kinh doanh bày bán hàng hoá xuống tận vỉa hè. Thậm chí, rất nhiều cửa hiệu trên tuyến Cầu Giấy, lấn chiếm hè phố để kinh doanh cả ngày vẫn chưa được xử lí, nay lại cấm để xe, trong khi xe thường đỗ lại mua hàng không bao lâu.

Chị Trần Thị Thanh, chủ cửa hiệu tại 96 Cầu Giấy cho biết, chị chưa nhận được chủ trương mới, nhưng nếu áp dụng, chị cũng chưa biết sẽ xoay xở thế nào. Nếu phải dong xe vào cửa hiệu thì việc di chuyển ở bên trong cửa hiệu sẽ hết sức lúng túng.

 
Thiếu lời giải cho bài toán cấm để xe vỉa hè - 1
Những chiếc xe ở vị trí này sẽ "chạy" vào đâu?
 
Với giải pháp khách gửi xe ở một điểm chung nào đó rồi vào cửa hàng chị lắc đầu ngoây ngoẩy: “Dân mình không có thói quen đó. Nếu làm như vậy họ vào siêu thị mua chứ không vào các cửa hiệu nhỏ lẻ”. Thêm nữa, hiện tại cũng chưa có bãi gửi xe nào trên tuyến đường Cầu Giấy làm nơi gửi chung cho khách hàng.

Theo chị Thanh, việc cấm để xe trên vỉa hè lần trước đã khiến việc kinh doanh của chị lao đao. Chị phân trần thêm, lúc này, kinh doanh khó khăn, thuế vẫn thu đều, cộng thêm việc cấm để xe sẽ khiến người bán hàng rất khó làm ăn.

Người bán sẽ… “ứng biến”!

Tại phố Đê La Thành, bà Nguyễn Như Sông, chủ hiệu bán đồ dùng xây dựng tại số 145 cho biết, nếu cấm để xe là bà “chịu chết”. Với mặt tiền chỉ hơn 2m, nếu cho xe của khách vào nhà thì chỉ với hai chiếc xe, lối đi sẽ không còn là lối đi. Bà lí luận, cấm là điều cần tính đến, nhưng phải “ngoảnh lại” là người bán hàng sẽ như thế nào?

Bà Sông đồng tình với việc cấm bày bán hàng ra lòng đường, còn nếu cấm để xe thì sẽ không có khách. Bà lo xa, nếu không bán hàng thì hai vợ chồng bà cũng chỉ biết nằm “đo giường”, không thể làm gì khác.

“Phố xá phải đẹp, nhưng cũng phải để người dân làm ăn được” là quan điểm của ông Hà, chủ cửa hiệu đường ống nước tại 287 Tôn Đức Thắng. Theo ông, khi đã cho kinh doanh thì cũng phải tạo điều kiện cho người kinh doanh.

Ông cũng lo ngại khi trên tuyến phố Tôn Đức Thắng không có và cũng không kiếm được chỗ nào để làm bãi gửi xe chung. Ông đề xuất việc có qui định, với những tuyến phố vỉa hè hẹp phải dựng xe theo chiều dọc (song song với đường). Ngoài giải pháp đó, ông chưa nghĩ được gì hơn, nhưng theo ông, chính quyền sở tại phải có giải pháp gì “tương đối” cho người kinh doanh.
 
Thiếu lời giải cho bài toán cấm để xe vỉa hè - 2
Việc lấn chiếm hè phố để kinh doanh cần phải xử lí trước
 
Trong trường hợp phạt khách hàng để xe sai ông Hà cho rằng, các chủ cửa hiệu sẽ rất áy náy. Cũng theo ông Hà, nếu biện pháp xử phạt đối với xe để trên hè phố được áp dụng, các cửa hiệu sẽ có những “ứng biến”. Chẳng hạn, nhiều cửa hiệu sẽ cử thêm người đứng trông xe trên lề đường cho khách, coi như người đi đường đỗ lại.
 
Ông Hà còn lo ngại tình huống, việc xử phạt sẽ tạo điều kiện cho một số người của cơ quan chức năng kiếm tiền không hợp pháp bằng cách phạt không hoá đơn.
 
Bài và ảnh: Kim Tân