1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Thiết kế cầu vượt "tử thần"... có vấn đề?

(Dân trí) - Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, trên cầu vượt A của nút giao thông Cát Lái đã xảy ra 7 vụ lật xe, đều là xe container và đều lật tại cùng một vị trí. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do thiết kế cầu có vấn đề.

Có ai muốn chết đâu!

Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 (Khu 2), đơn vị được giao quản lý hạ tầng giao thông khu vực nút giao thông Cát Lái (điểm giao giữa xa lộ Hà Nội – Mai Chí Thọ), vừa có báo cáo cho biết, từ khi đưa vào sử dụng (tháng 8/2010) đến nay, trên cầu vượt A của nút giao thông này đã xảy ra 7 vụ lật xe tại cùng 1 vị trí. Vị trí này vừa có độ cong đứng, vừa có độ cong nằm (lên dốc cao ngay khúc cua gắt).

Cụ thể, vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 14/9/2010, ngay khi cầu vượt này vừa được đưa vào sử dụng chưa tròn 1 tháng. Trong vụ tai nạn này, 1 chiếc container đã bị lật ngang trên cầu, va vào thành cầu làm hỏng 1 đoạn lan can rồi mới dừng lại. Sau đó, vào các ngày 26/7/2011, 11/8/2011, 15/10/2011, 13/2/2012… liên tiếp xảy ra lật xe tại vị trí này. Tất cả đều là xe container.

Thiết kế cầu vượt tử thần... có vấn đề?
Tại vị trí này liên tục xảy ra lật xe container. Đơn vị quản lý khẳng định thiết kế đúng nhưng vẫn đề nghị… sửa chữa vài điểm

Vụ việc gần đây nhất là vào ngày 7/5/2013, xe đầu kéo kéo theo rơ moóc chở thùng container khi vừa ôm khúc cua này thì thùng container lật ngang, văng xuống mặt cầu. Rất may container không rơi khỏi cầu vượt xuống đường giao thông bên dưới.

Lý giải nguyên nhân của các vụ tai nạn trên, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu 2 cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện đã lưu thông quá tốc độ cho phép: 30km/h”.

Tuy nhiên, thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia có gần 40 năm công tác trong ngành giao thông vận tải TPHCM lại cho rằng: “Không nên đổ lỗi cho tài xế mà nên xem lại thiết kế của cây cầu này”.

Khúc cua tử thần này từ lúc được đưa vào sử dụng đã trở thành “điểm chết” mà bất cứ tài xế container nào đi qua địa bàn TPHCM cũng biết. Th.S Phạm Sanh nhận định: “Tài xế đều biết khúc cua này nguy hiểm thì không lý gì họ lại chủ quan, bất cẩn khi đi qua đoạn này. Có ai muốn chết đâu!”.

Thiết kế có vấn đề

Theo thiết kế của đơn vị tư vấn Nhật, cầu này được lưu thông tốc độ 40km/h. Nhưng vì thường xuyên xảy ra lật xe, cơ quan quản lý buộc giới hạn tốc độ 30km/h, nhưng xe vẫn lật. Đáng nói hơn, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu 2 khẳng định cầu vượt chỉ mới được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cho phép đưa vào sử dụng chứ chưa được nghiệm thu chính thức.

Tuy khẳng định cầu thiết kế đúng, thi công đúng thiết kế nhưng Khu 2 vẫn đề xuất thành phố cấp thêm 1,7 tỷ đồng để cào bỏ lớp nhựa đường cũ, thay bằng lớp bê tông nhựa polimer để tăng độ nhám của mặt cầu. Đồng thời sẽ tiếp tục thử nghiệm để xác định tốc độ phù hợp cho xe lưu thông qua cầu này, từ đó điều chỉnh tiếp, có thể còn thấp hơn con số 30km/h hiện nay. Ngoài ra, Khu 2 còn tiến hành lắp đặt camera để ghi hình xe chạy quá tốc độ cho CSGT phạt nguội…

Sau nhiều vụ lật xe liên tiếp xảy ra, Công an quận 2 đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải xem lại thiết kế cầu vượt này để có biện pháp khắc phục. Theo ý kiến của Công an quận 2, độ dốc cầu vượt lớn nên xe tải nặng phải chạy nhanh lấy đà lên cầu, khi đến đỉnh cầu thì gặp ngay khúc cua gắt nên xe thường lật tại vị trí này.

Th.S Võ Vĩnh Bảo, Trưởng bộ môn Cầu - Hầm (Trường ĐH GTVT TPHCM) cũng nhận định, một trong những nguyên nhân gây lật xe tại đây là do những tài xế thiếu kinh nghiệm và chở nặng. Khi qua cầu thường tăng tốc để bắt trớn và khi đến khúc cua thì trở tay không kịp, đánh cua gấp làm xe lật ngang.

Th.S Phạm Sanh thì khẳng định thẳng thắn đây chính là lỗi thiết kế. Ông cho rằng: “Thiết kế cầu tại vị trí này khiến xe vừa phải leo dốc, vừa vào đường cong rất gắt khiến tài xế phải hết sức tập trung mới giữ xe không bị xô ngang ra thành cầu. Tại sao người ta thiết kế 1 khúc cua khó tại vị quan trọng như thế? Đâu phải giao lộ này thiếu không gian. Như vậy không phải do lỗi thiết kế thì là gì?”.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cầu đường cảng TPHCM đồng tình quan điểm của cơ quan quản lý, cho rằng lỗi đầu tiên là của tài xế: “Không thể đổ lỗi nguyên nhân do cầu được, bởi thiết kế là do tư vấn Nhật thực hiện và được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thẩm định”.

Th.S Phạm Sanh phản đối: “Không phải cái gì người Nhật làm cũng đúng. Tại sao cơ quan quản lý phải bảo vệ đơn vị thiết kế. Nếu thấy thiết kế có vấn đề, chúng ta phải xem xét lại để tìm cội nguồn nguyên do, cho lập mô hình giả định mô phỏng để xác định lỗi ở đâu mà khắc phục thì mới tránh được tai nạn sau này. Thử tưởng tượng, nếu chẳng may một chiếc container nặng mấy chục tấn lật ngang, rơi từ cầu vượt xuống đường đông xe bên dưới thì sẽ ra sao?”.

Tùng Nguyên