Thìa nhựa chứa quá nhiều độc chất
(Dân trí) - Kết quả phân tích của Viện Hoá học cho thấy, hai mẫu thìa nhựa thường dùng để ăn sữa chua mà đơn vị vừa kiểm tra có chứa quá nhiều độc chất, cao gấp nhiều lần cho phép. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
GS.TSKH Trần Văn Sung, Viện trưởng Viện Hoá học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Hai loại thìa mà viện đưa ra phân tích là loại thìa nhựa được bán trên thị trường, dùng để ăn sữa chua và các loại thực phẩm khác. Loại thìa này được bán theo kg, giá mỗi kg từ 15.000 đến 20.000đ.
Bằng các phương pháp phân tích như sắc quang phổ, phương pháp sắc khí lỏng, dùng kính hiển vi và phương pháp tích nhiệt, các nhà khoa học tại Viện Hoá học đã phát hiện trong hai mẫu thìa này có nhiều độc chất rất nguy hiểm. Theo đó, hàm lượng kim loại nặng (chì) từ hai mẫu thìa này là 26mg/kg thìa, và hoạt chất cadimi (Cd) là 1mg/kg thìa. Ngoài ra, khi quan sát bằng kính hiển vi, các loại thìa này còn thấy cacbona trộn lẫn với thìa, với hàm lượng trên 20%, trong khi đó mẫu nước ngoài là 0%.
Theo ông Sung, nếu hàm lượng cacbonat có nhiều trong sản phẩm sẽ làm tăng thêm hàm lượng kim loại nặng. Cũng bằng phương pháp này, các nhà khoa học còn thấy nhiều ô rỗng trong mỗi sản phẩm được phân tích. Ông Sung giải thích, những túi rỗng trong hai loại thìa nhựa này đã thể hiện sự nguy hiểm của sản phẩm trôi nổi, vì đây là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu là thìa làm từ rác thải y tế, theo ông Sung thì nguy cơ độc hại và nhiễm bệnh càng cao gấp nhiều lần.
Phân tích của Viện Hoá học cũng cho thấy, trong hai mẫu thìa này còn chứa nhiều tạp chất hữu cơ, đó là những chất được dùng để lót khuôn đúc nhựa. Đây là loại chất cấm sử dụng đối với thực phẩm. Ngoài ra, hai mẫu thìa này còn có nhiều loại nhựa polime khác nhau, chứng tỏ chúng được làm từ nguồn nguyên liệu nhựa tái chế.
Ông Sung cho hay, hiện nay ở Việt Nam chưa có bất kỳ tiêu chuẩn an toàn nào về mặt hàng này. Do đó, Viện Hoá học đã dựa trên các mẫu thìa nhựa do nước ngoài sản xuất để đối chiếu. Theo đó, đối với thìa của nước ngoài, hàm lượng Cd và chì luôn thấp hơn 1. Khối đúc của thìa cũng đặc và nguyên liệu sản xuất là một loại polime.
Được biết, loại thìa này thường dùng để ăn sữa chua, thạch, những sản phẩm này thường có độ PH thấp, theo ông Sung điều này dễ hoà tan kim loại nặng. Trong khi đó, người tiêu dùng sản phẩm này chủ yếu là trẻ em với sức để kháng kém, sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ gây bệnh. “Tuy không ngộ độc tức thì, nhưng hậu quả lâu dài sẽ rất nguy hiểm”, ông Sung cho biết.
Trần Hưng