1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Thị trường giáo dục là tất yếu”

(Dân trí) - Người ta nhắc nhiều đến cái tên Nguyễn Minh Thuyết với tư cách là đại biểu Quốc hội có chính kiến về giáo dục. Có những quan điểm của ông khi đưa ra bị nhiều người phản bác, thậm chí “kiêng” nhắc đến nó. Trước sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, ông lại làm nhiều người giật mình: “Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận thị trường giáo dục”.

Thị trường giáo dục - điều cấm kỵ?

 

Ông nghĩ sao về “thị trường giáo dục” ở Việt Nam?

 

Có nhiều người dị ứng với khái niệm “thị trường giáo dục” vì cho rằng không thể có chuyện mua bán trong một lĩnh vực thiêng liêng như giáo dục, hay nói cách khác là không thể chấp nhận thị trường giáo dục ở Việt Nam. Nhưng trên thực tế, chúng ta đang có thị trường. Đang tồn tại và phát triển các trường ngoài công lập từ nguồn vốn trong nước và nước ngoài. Và chắc chắn từ giờ trở đi, khi nước ta gia nhập WTO, sẽ càng có nhiều trường nước ngoài đặt chân tới đây. Họ đến từ những nước đang có thị trường giáo dục.

 

Điều này có nghĩa chúng ta phải chấp nhận một thị trường giáo dục đang tồn tại ở Việt Nam?

 

Đúng vậy. Chấp nhận và định hướng phát triển đúng cho nó còn hơn là khăng khăng cự tuyệt trên ngôn từ nhưng thực tế lại buông lỏng quản lý để cho nó phát triển lệch lạc. Có những trường tư thục hoạt động cả chục năm  mà không có nổi cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cơ hữu tối thiểu, tuyển sinh vượt khả năng đáp ứng đến mấy lần, chỉ lo chia chác lời lãi,… Đó là biểu hiện phát triển thị trường giáo dục một cách lệch lạc. Trong khi đó, thị trường giáo dục phải là một thị trường phi lợi nhuận.

 

Tại sao lại là phi lợi nhuận?

 

Phi lợi nhuận ở đây không có nghĩa là không có lợi nhuận mà là không lấy lợi nhuận (nhất là lợi nhuận của một nhóm người điều hành) làm mục đích và luôn có sự đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục, phục vụ mục đích xã hội.

 

Phát triển một thị trường giáo dục lành mạnh sẽ tốt cho cả hai phía: Người thầy có thu nhập cao và người học được cung ứng dịch vụ tốt. Khi đó, Nhà nước sẽ rảnh tay tập trung đầu tư cho những cơ sở giáo dục phục vụ người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách. Đây là giải pháp hiện thực hơn là giải pháp tăng lương để giáo viên sống bằng lương.

 

Ông nói rằng, việc tham gia vào WTO đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nền giáo dục du nhập vào Việt Nam, liệu chúng ta có bị chi phối do quan niệm giáo dục mang tính lợi nhuận?

 

Tôi được biết, ngay ở những nước phát triển, cho dù học phí ở các trường học rất cao nhưng người ta cũng không quan niệm lợi nhuận là trên hết, mà xác định làm giáo dục là để phục vụ xã hội.

 

Theo ông, trước vấn đề  này, ngành giáo dục cần phải làm gì?

 

Tôi nghĩ trước hết, Bộ GD&ĐT cần có một cuộc thảo luận nghiêm túc về khái niệm “thị trường giáo dục” và cơ chế vận hành thị trường ấy. Không nên xếp khái niệm này vào phạm trù kiêng kị mà nên bàn bạc để đưa ra được những quyết sách đúng đắn vì trước sau thì thị trường giáo dục cũng sẽ diễn ra.

 

Không tuyên truyền, sẽ lại gặp phản ứng của dư luận

 

Việc tăng học phí trước đây đã không được Quốc hội thông qua, thế nhưng sắp tới, Bộ GD&ĐT lại đưa ra vấn đề này. Vậy quan điểm của ông về việc này như thế nào?

 

Nói đến chuyện học phí, cách đây không lâu, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án tăng học phí nhưng gặp sự phản ứng rất mạnh từ phía đại biểu Quốc hội cũng như dư luận quần chúng nhân dân. Thiếu sự đồng thuận, Bộ trưởng lúc đó là ông Nguyễn Minh Hiển phải rút lại đề án. Điều này cũng có nghĩa việc tăng học phí sắp tới không đơn giản chút nào, dù biết rằng học phí hiện nay khó đáp ứng nhu cầu chi phí trong  học tập.

Học phí trước đây thấp nhưng ngoài học phí, người học còn phải đóng nhiều khoản. Điều đó chứng tỏ học phí không phản ánh đúng chi phí cho học tập. Nay, Luật Giáo dục mới quy định, ngoài học phí, cơ sở giáo dục không được thu thêm bất kỳ khoản gì. Vì vậy, mặc dù chưa thể thu đúng, thu đủ, nhưng các cơ sở giáo dục cũng không thể thu học phí như cũ nữa.

 

Tôi cũng được biết sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ đề án tăng học phí. Nhưng việc này nếu không tuyên truyền tốt dễ làm cho xã hội hiểu lầm và lại phản ứng giống như lần trước. Nếu như hồi đó, trước khi đưa ra đề án tăng học phí, Bộ GD&ĐT đầu tư đúng mức cho công tác tuyên truyền, có lẽ nó đã được thông qua.

 

Theo ông, vì sao lại phải tăng học phí?

 

Điều mà xã hội đòi hỏi là tăng học phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan và triệt tiêu những khoản thu ngoài học phí. Như vậy, học phí phải nộp nhiều hơn nhưng chi phí thực tế của gia đình cho việc học của con em sẽ ít hơn.

 

Vậy ngành Giáo dục nên điều chỉnh mức thu  học phí như thế nào?

 

Khung học phí nên đủ rộng để cho các trường tự quyết, nhất là đối với trường tư, những trường phải tự thu tự chi. Đồng thời với việc tăng học phí, Chính phủ cũng cần rà soát, điều chỉnh mức hỗ trợ cho các đối tượng chính sách. Cũng xin được nói thêm, một mức học phí phù hợp với từng địa phương, từng trường sẽ giúp giảm thiểu nạn chạy trường chạy lớp.

 

Điều chỉnh học phí để chống chạy trường, chạy lớp

 

Tại sao vậy?

 

Để phân bố học sinh một cách hợp lý, tránh tình trạng tất cả đổ dồn về những trường có điều kiện học tập tốt, ngành giáo dục có quy định phải học đúng trường, đúng tuyến. Vì vậy, người trái tuyến thường phải “chạy trường”. Nhưng sắp tới, Luật Cư trú nghiêm cấm “lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”; việc lấy hộ khẩu để điều tiết sự phân bố học sinh vào các trường xem ra cũng phải dần dần thay đổi. Điều chỉnh học phí theo điều kiện học tập của từng trường cũng là một giải pháp cho vấn đề phân bố học sinh, hạn chế chạy trường, chạy lớp.

 

Nói như ông thì học phí sẽ quyết định chất lượng giáo dục?

 

Đúng vậy. Nhưng chúng ta cũng không thể đòi hỏi tăng học phí sẽ thay đổi ngay chất lượng giáo dục vì một là, học phí không thể tăng vọt ngay một lúc theo yêu cầu; hai là, chuyện “trồng người” không thể có ngay hiệu quả tức thì như chuyện “bón thúc” cho cây.

 

Ngành GD có làm trái Luật?

 

Ông nghĩ sao về việc xoá bỏ độc quyền SGK?

 

Xoá bỏ độc quyền là việc nên làm để thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm tốt hơn, giá thành hợp lý hơn, có lợi cho người tiêu dùng hơn. Nhưng muốn xoá bỏ độc quyền xuất bản SGK, ta cần hiểu rõ xuất bản SGK gồm những khâu nào và khâu nào thì mình chống độc quyền ngay, khâu nào phải có quá trình.

 

Khâu nào có thể làm ngay và khâu nào phải có quá trình?

 

Xuất bản SGK gồm ít nhất ba khâu: xuất bản (biên tập và xuất bản), in ấn và phát hành. Theo Luật Xuất bản, các NXB phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình. Do vậy, muốn tham gia xuất bản SGK, các NXB phải trình cấp có thẩm quyền cho thay đổi mục đích, tôn chỉ. Thứ hai, Điều 29 của Luật Giáo dục quy định cả nước sử dụng thống nhất, ổn định một chương trình, một bộ SGK. Theo quy định này, Bộ GD&ĐT giao việc xuất bản SGK cho NXB Giáo dục là thuận tiện nhất, vì NXB này không chỉ là cơ quan trực thuộc Bộ, dễ quản lý, điều hành mà còn là nơi có điều kiện làm SGK tốt hơn cả, với một đội ngũ biên tập có kinh nghiệm thuộc đủ mọi môn học, mọi cấp học.

 

Thứ ba, theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu NXB Giáo dục đã tổ chức biên tập SGK có nghĩa NXB này là chủ sở hữu của sản phẩm đó. Một khi sản phẩm đã có chủ sở hữu thì không thể nói chuyện tuỳ tiện lấy lại để giao cho các NXB khác. Việc nhượng quyền sở hữu phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và có trả tiền bản quyền. Nhưng nếu phải trả tiền bản quyền thì liệu các NXB khác còn có lãi không và giá thành SGK có thể hạ được không? E rằng lúc ấy người chịu thiệt lại là người học.

 

Nhưng khâu in ấn và phát hành sách thì có thể thực hiện ngay?

 

Đúng là việc in ấn có thể xoá bỏ độc quyền ngay được. Trên thực tế, hiện nay có tới 80 nhà in trên toàn quốc tham gia in SGK, trong đó chỉ có 4 nhà in trực thuộc NXB Giáo dục. Vì với một số lượng sách rất lớn, có khi tới hàng triệu bản một đầu sách thì riêng 4 nhà in trực thuộc NXB Giáo dục có muốn độc quyền cũng không đủ sức để làm. Từ nhiều năm nay, việc in sách đã không có độc quyền.

 

Còn việc phát hành, chúng ta cũng nên mở rộng chứ không nên giới hạn ở các công ty phát hành sách và thiết bị của các tỉnh như hiện nay. Điều quan trọng là phải bảo đảm việc mở rộng không gây sốt sách, tăng giá sách và tuồn sách in lậu. Muốn vậy, cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia phát hành, hai ngành GD&ĐT và Văn hoá - Thông tin cần phối hợp chặt chẽ với nhau để có cách quản lý phù hợp.

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 

Lan Hương (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm