1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thị trấn một tháng chỉ được cưới 2 ngày

Có những ngày Yên Lạc có đến mấy chục cặp cùng cưới, cả thị trấn đều đóng cửa xưởng, gác việc nhà đổ xô đi ăn cưới.

Thị trấn một tháng chỉ được cưới 2 ngày

Một đám cưới ở Yên Lạc năm 2009. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

 

Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) ra quy ước về ngày cưới, ngày chạm ngõ. Người dân đồng thuận. Hệ quả, nhiều đám cưới cùng lúc, khách dự cưới phải chạy sô, dịch vụ cưới lúc ngồi không, lúc quá tải.

 

Thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có tới 80% người dân làm nghề mộc. Nhưng có lẽ đây là địa phương duy nhất ở nước ta thực hiện quy ước về việc cưới suốt 12 năm qua. Theo đó, đám cưới chỉ được tổ chức vào hai ngày trong tháng là mùng 2 và 16 âm lịch, nếu gia đình nào vi phạm thì sẽ bị phê bình tại thôn xóm, khu phố.

 

Cùng với quy định ngày cưới, Yên Lạc cũng quy định cụ thể về cách thức tổ chức như: Không làm sân khấu, không dùng loa nén, không làm cổng chào, không dùng lẵng hoa, dùng các loại bóng điện thường thắp sáng, tiết kiệm chi tiêu, không tổ chức ăn lại mặt sau khi cưới...

 

Vừa lần giở cuốn quy ước, Phó Chủ tịch thị trấn Yên Lạc Phạm Văn Luân vừa nói đầy tự hào: “Từ khi áp dụng quy ước, thị trấn chúng tôi chưa có đám nào vượt rào, bà con nhất nhất nghe theo. Mà đám nào cũng suôn sẻ cả”.

 

Cũng theo ông Luân, quy ước đã qua một lần sửa chữa vào năm 2010. Điểm sửa đổi đáng chú ý nhất là cho phép cô dâu trong ngày cưới được mặc váy cưới. Còn trước đó, cô dâu chỉ được mặc áo dài. Giải thích về việc sửa đổi này, ông Luân nói: “Quy ước cũng phải theo kịp với đời sống, ngày xưa dân chúng tôi quan niệm cô dâu nông thôn cưới xong thì đi ra đồng ngay, cần gì mặc áo cưới”.

 

Mặc dù mặt bằng chung về mức sống của người dân thị trấn khá cao nhưng việc chụp ảnh lưu niệm trong ngày cưới ở đây cũng là việc “hãn hữu lắm mới làm”. Phải đến nhà thứ năm, một cựu chú rể mới chìa ra cho xem tấm ảnh cưới hiếm hoi của mình chụp năm 2009. Anh Phạm Văn Đông giải thích: “Ngày xưa mới có người chụp, chứ bây giờ ít người chụp lắm, vì chụp xong thì cũng bỏ hư đi hết”.

 

Do áp dụng ngày cưới thống nhất, nên việc đi ăn cưới đối với người dân thị trấn giống như ngày hội. Ông Phạm Văn Phong (khu phố 1) kể lại: “Có những ngày Yên Lạc có đến mấy chục cặp cùng cưới, cả thị trấn đều đóng cửa xưởng, gác việc nhà đổ xô đi ăn cưới, ra đường gặp nhau hỏi han, cười nói rất xôm tụ chẳng thua gì hội làng”.

 

Theo người dân Yên Lạc, việc ra đời quy ước dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên do đã thực hiện được thời gian dài nên đã thành nếp, thành thói quen của mọi gia đình. Vậy nên chuyện phá rào hầu như không có. Chị Nguyễn Thị Thúy - cán bộ văn hóa thị trấn bổ sung: “Khi lên thị trấn đăng ký kết hôn, cô dâu, chú rể đều được nhắc lại quy ước của thị trấn và cũng phải cam đoan không vi phạm”.

 

Tuy nhiên, quy ước này làm nảy sinh không ít vấn đề phức tạp. Đó là vào những ngày nhiều đám cưới diễn ra cùng một lúc, có gia đình phải huy động “tổng lực” toàn bộ thành viên cả nhà, mỗi người đi một đám để không bị coi là “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Dẫu vậy, không phải lúc nào giải pháp này cũng áp dụng được, vì có những lúc nhân lực ít hơn số đám thì người dân Yên Lạc cũng đành phải chạy sô ăn cưới.

 

Anh Xuân ở khu phố 2 kể: “Có ngày một mình tôi chạy 5 đám, vợ chạy 3 đám... thế nên cứ phải ngồi đám này một tí, làm mấy chén rượu lại phải chạy sang đám kia nhưng phải cân đối là đám nào quan trọng thì đi trước, đám ít quan trọng đi sau nếu không cũng bị quở trách”.

 

Rơi vào nhiều tình huống như thế nên người dân cũng nghĩ ra những cách thức để ứng phó. Như lời ông Phong ở khu phố 1, đối với những đám ít quan trọng nhưng không thể bỏ thì trước ngày làm đám ông sẽ đưa phong bì đến mừng. “Không nên nói thẳng ra là mừng tiền, mà phải nói là cho cháu cái khăn mặt. Đưa trước như thế cũng có ý nhắc cho đám đó biết là ngày mai mình không đến để họ bớt suất”, ông Phong nói.

 

Ngày cưới tập trung cũng dẫn đến việc tiền mừng dồn thành một cục. Anh Sơn - chủ xưởng mộc kể: “Nói là tiết kiệm, đỡ dàn trải nhưng ngày xưa lâu lâu có một đám còn xoay được tiền, giờ tự nhiên một lúc mừng mấy đám cũng nặng lắm, có nhà phải đi vay mượn mừng đám đấy”.

 

Bên cạnh đó, cưới dồn trong hai ngày cũng gây khó trong việc thuê mướn các dịch vụ cưới hỏi. Mặc dù cả thị trấn có tới 20 cơ sở cung cấp dịch vụ cưới hỏi nhưng vào lúc cao điểm, nhà nào có đám phải đặt thuê trước cả tháng.

 

Không đồng thuận với cách thức tổ chức đám cưới của địa phương nhất phải kể đến đám thanh niên. Một người vừa mới tổ chức đám cưới bày tỏ: “Cưới mà không có hát hò, không có người tổ chức thì buồn lắm, bọn trai nơi khác có lúc vẫn chọc khoáy bọn em là kém chơi... nhưng lệ của cha ông thì phải theo vậy”.

 

 Theo Pháp luật TPHCM