Thị trấn bị bỏ quên gợi nhớ thời bao cấp
(Dân trí) - Nằm lặng lẽ ở vùng Đông Bắc, thị trấn cũ kĩ với dãy tường nhà sứt sẹo như chẳng liên quan đến núi rừng của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) bao quanh.
Thị trấn Tĩnh Túc được hình thành từ hai dãy nhà tập thể xây dựng trong thập kỉ 70, dùng làm nơi ăn ở của công nhân và chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại mỏ thiếc Tĩnh Túc. Những công nhân khai thác mỏ đến từ nhiều nơi cùng với số ít người bản xứ chính là những công dân đầu tiên của huyện lỵ này.
Sự thịnh vượng sầm uất của thị trấn gắn liền cùng lượng công nhân khai thác mỏ. Thời điểm khoảng năm 1965 - 1973, lượng công nhân lên đến 4.000 người, đánh dấu lúc cực thịnh của thị trấn.
Gần 40 năm tồn tại, trữ lượng mỏ xuống thấp, công nhân hết việc rời đi, thị trấn đang đi ngược xu thế ngày càng trở nên vắng vẻ. Hình dáng gợi nhớ thời bao cấp không có thay đổi nào đáng kể, khác chăng chỉ là sự già nua của những công nhân mỏ đang sinh sống bên trong những dãy nhà của thời gian khó.
Thị trấn Tĩnh Túc được hình thành từ năm 1976 bởi những dãy nhà tập thể dành cho công nhân khai thác mỏ thiếc nằm dọc hai bên quốc lộ 34.
Đây là mỏ thiếc đã được khai thác từ rất lâu, đến năm 1956 được Liên Xô (cũ) giúp đỡ xây dựng và trang bị máy móc với qui mô lớn. Tấm biển thể hiện tình hữu nghị Việt Xô ở trên con đường dẫn vào thị trấn.
Những dãy nhà tập thể 2 tầng được xây dựng đơn giản từ năm 1976 đến nay gần như còn nguyên trạng. Một tấm biển vẫn còn dòng chữ: "Công trình thanh niên dâng Đảng".
Đặc điểm chung của các dãy nhà là cầu thang đi lên từ phía sau và bể nước chung. Thị trấn nhỏ này chỉ kéo dài khoảng 800m dọc quốc lộ 34.
Đến nay, khi trữ lượng thiếc đã giảm, nhiều công nhân và thế hệ thanh niên đã đi làm ăn nơi khác để lại nhiều căn hộ vắng vẻ, không người ở.
Các công nhân ở xí nghiệp thiếc cho biết, công việc đang ít dần, lương tháng bình quân chỉ khoảng 2 triệu đồng.
Gia đình ông bà Nông Ngọc Hải có 2 thế hệ làm việc tại mỏ thiếc cùng sống trong căn nhà được xây từ năm 1976. Hiện nay con trai ông bà vẫn làm việc tại lò luyện thiếc.
Còn ông Nông Văn Lâm làm việc tại mỏ từ năm 1984, nay đã về hưu. Thay vì nối nghiệp cha, các con ông đã chuyển nghề khác.
Các căn hộ tập thể sau này được hóa giá cho công nhân, mỗi hộ được 1 căn. Trước đây còn có 1 khu nhà 3 tầng dành riêng cho người sống độc thân.
Đây là thế hệ thứ 3 của các công nhân mỏ, nhưng có lẽ những đứa trẻ này không còn cơ hội nối nghiệp cha mẹ nữa.
Thị trấn Tĩnh Túc luôn vắng vẻ cả ngày, chỉ một vài thời điểm khi công nhân tan ca sản xuất, tiếng gọi nhau í ới mới tạm làm tan đi không gian tĩnh lặng.
Hữu Nghị