1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thi sĩ “Lá diêu bông” qua đời

(Dân trí) - Nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả của những bài thơ nổi tiếng như “Lá diêu bông”, “Bên kia sông Đuống”… đã trút hơi thở cuối cùng vào 9 giờ 30 sáng nay, ngày 6/5 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, để lại niềm thương tiếc cho người thân, đồng nghiệp và độc giả…

Thi sĩ “Lá diêu bông” qua đời - 1
Nhà thơ Hoàng Cầm (bên phải). (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
 
Nhiều năm qua, nhà thơ Hoàng Cầm không thể đi lại thoải mái vì một lần ngã dẫn đến bại chân. Tối 2/5, ông được người thân đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội cấp cứu khi thấy bệnh trở nặng. Sau hơn 3 ngày nằm viện, tác giả của những bài thơ đã in sâu vào tâm trí nhiều người tạm biệt cõi đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Hiện, thi hài nhà thơ đang được bảo quản tại phòng lạnh Bệnh viện 108.

“Nhà thơ Hoàng Cầm là một người anh thân thiết cả ngoài đời và trong giới văn chương của tôi… ”, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh không giấu được những bùi ngùi.

Trong mắt nhà thơ Hữu Thỉnh, Hoàng Cầm là một trong những nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam đương đại. Ông là người từng tham gia sáng lập Hội nhà văn Việt Nam và được bầu vào Ban chấp hành. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, cái đẹp nhất trong thơ Hoàng Cầm là đề cao kháng chiến và dân tộc…

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Hội nhà văn và gia đình nhà thơ đang bàn bạc về ngày giờ và địa điểm tổ chức tang lễ trọng thể cho nhà thơ Hoàng Cầm. Tang lễ sẽ được tổ chức với nghi thức cao nhất của Hội nhằm tưởng nhớ tới người có những đóng góp rất xứng đáng với văn học Việt Nam đương đại”.
 
Thi sĩ “Lá diêu bông” qua đời - 2
Tác giả của "Lá diêu bông" đã "trở về với cát bụi"

Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời. Năm 1938, ông ra Hà Nội học trường Thăng Long và đỗ tú tài toàn phần, bước vào nghề văn từ năm 1940. Cũng từ thời gian này, bút danh Hoàng Cầm đã được ông sử dụng dựa trên tên một vị thuốc quí.

Ông tham gia trên nhiều lĩnh vực: thành lập đoàn kịch Đông Phương trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám; thành lập đội tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên và được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị năm 1952. Sang năm 1955, ông chuyển sang làm trưởng đoàn kịch nói và không ít lâu sau về Hội Văn nghệ Việt Nam làm công tác xuất bản.

Tháng 4/1957, ông tham gia thành lập Hội nhà văn Việt Nam, và được bầu vào Ban chấp hành. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án“Nhân văn giai phẩm”, ông thôi công tác tại Hội nhà văn.

Trong sự nghiệp văn chương, ông viết khá nhiều, nhưng được biết tới nhiều nhất là vở kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan và các bài thơBên kia sông Đuống ( 1948),Kinh Bắc ( 1959), Mưa Thuận Thành (1959), Lá Diêu Bông ( 1993), Đến từ hư không (2000)...

Ngoài bút danh Hoàng Cầm, ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.
 

Lá Diêu Bông

 

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ

Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông

Mùa đông sau Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn


o0o

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới Diêu bông...!

 

 

Hoàng Cầm

 
Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm