1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Thi hành án tư nhân" có quyền cầm roi điện?

(Dân trí) - Xã hội hóa trong thi hành án dân sự được kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể lượng án tồn. Theo dự thảo luật Thi hành án dân sự, các cá nhân nếu có đủ điều kiện của pháp luật thì được cấp giấy phép hành nghề thi hành án.

Đây là một trong những nội dung “nóng” sẽ được Quốc hội thảo luận cả ngày hôm nay 23/5, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình dự án luật Thi hành án dân sự và Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật Thi hành án dân sự.

12 điểm mới

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 19/4, năm 2007 có 311.443 án dân sự tồn đọng, không thi hành được, chiếm 48% số vụ việc.

Bộ Tư pháp cho rằng nguyên nhân chính là do cơ quan thi hành án bị cắt khúc khỏi tòa án, thiếu tập trung, thống nhất trong quản lý, điều hành, chưa ngang tầm với chức năng được giao, thủ tục, trình tự còn nhiều bất cập.

Sau 3 năm thực hiện Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, một số quy định trong Pháp lệnh này đã không còn phù hợp và để nâng tầm hiệu lực pháp lý đòi hỏi phải nâng Pháp lệnh lên thành luật.

Do vậy, Quốc hội đã quyết định đưa Dự án luật Thi hành án dân sự vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2008 nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất về thi hành án dân sự.

So với Pháp lệnh thi hành án dân sự (hiện hành), dự thảo luật có 12 điểm mới quan trọng, đó là:

1. Quy định về tiêu chuẩn và ngạch chấp hành viên;

2. Bổ sung quy định về việc chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ (roi điện) khi thi hành công vụ;

3. Kéo dài thời hiệu yêu cầu thi hành án;

4. Sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với mỗi khoản thu nộp ngân sách Nhà nước;

5. Sửa đổi quy định về hỗ trợ tài chính để bảo đảm thi hành án;

6. Quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành án;

7. Bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện thi hành án;

8. Bổ sung thủ tục cưỡng chế thi hành án;

9. Sửa đổi quy định về định giá tài sản kê biên;

10. Bổ sung các quy định về thi hành án đối với một số trường hợp cụ thể;

11. Quy định về xã hội hóa hoạt động thi hành án;

12. Quy định điều khoản chuyển tiếp.

Xã hội hoá thi hành án sẽ dẫn đến... đòi nợ thuê?

Điểm mới về xã hội hoá hoạt động thi hành án là điểm đang gây nhiều tranh cãi nhất.

Các cá nhân có thể được cấp giấy hành nghề thi hành liệu có dẫn đến việc lạm dụng để bắt giữ người trái pháp luật như một số các công ty đòi nợ thuê là điều mà nhiều đại biểu Quốc hội đang quan ngại nếu Quốc hội thông qua Dự án Luật này.

Nhất là khi Dự thảo luật có nêu rõ, thẩm quyền của chấp hành viên cũng sẽ được tăng thêm để đảm bảo công tác thi hành án hiệu quả. Chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ (roi điện), được quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, lập kế hoạch cưỡng chế, yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải người phải thi hành án theo quy định pháp luật, khám xét thu giữ tài sản thi hành án...

Tại phiên họp thứ 8 của UBTVQH, khi bàn về vấn đề này, UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ, hiệu quả roi điện, tránh trường hợp lạm dụng. Theo đó, roi điện sẽ không được trang bị cho từng chấp hành viên mà chỉ trang bị cho các cơ quan thi hành án trong thời gian thực hiện nhiệm vụ xác minh tài sản, cưỡng chế thi hành án.

Cũng tại phiên họp này, nhiều đại biểu cùng chung ý kiến là chưa nên đặt vấn đề này trong Luật vì đây là chủ trương mới, chưa được kiểm nghiệm, đánh giá qua thực tế. Trong trường hợp cần thiết có thể thực hiện thí điểm xã hội hóa công tác thi hành án ở một số địa phương, rồi tiến hành tổng kết đánh giá sau.

Lê Châu