Thí điểm “xóa” HĐND 177 phường ở Hà Nội: Còn băn khoăn điều gì?
(Dân trí) - Tờ trình dự thảo nghị quyết do Bộ Nội vụ xây dựng chưa đánh giá được tác động của việc thí điểm, điển hình như việc sẽ giảm chi phí, con người ra sao? Việc không tổ chức HĐND phường sẽ giúp giảm ngân sách được bao nhiêu và việc giảm ngân sách có được bổ sung cho Hà Nội không?
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc các quận, thị xã của TP Hà Nội do Bộ Tư pháp tổ chức vừa diễn ra, đại diện Bộ Nội vụ cho biết 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường. Thời gian thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2021 - 2026, bắt đầu từ ngày 1/6/2021 đến khi Quốc hội chấm dứt thực hiện thí điểm.
Các thành viên UBND phường do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.
Dự thảo nghị quyết đề xuất xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn) ở khu vực nông thôn.
Một số thành viên hội đồng thẩm định cho rằng, tờ trình dự thảo nghị quyết do Bộ Nội vụ xây dựng chưa đánh giá được tác động của việc thí điểm, điển hình như việc sẽ giảm chi phí, con người ra sao? Việc không tổ chức HĐND phường sẽ giúp giảm ngân sách được bao nhiêu và việc giảm ngân sách có được bổ sung cho Hà Nội không?…
Trong khi đó, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, Hà Nội đã có văn bản xin tạm dừng chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường.
Từ đây đặt ra một thực tế: Nếu ấn định 177 phường thí điểm thì tới đây khi nâng cấp một số huyện ngoại thành lên thành quận thì các phường thuộc những quận mới có thực hiện thí điểm không?. Còn nếu bất kỳ phường nào của Hà Nội đều không tổ chức HĐND phường thì phải cân nhắc, xem xét.
Ông Cao Đăng Vinh, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) băn khoăn: Điều 114 Hiến pháp quy định UBND do HĐND cùng cấp bầu, nhưng theo dự thảo nghị quyết thì các thành viên UBND phường do UBND quận bổ nhiệm thì có hợp lý không?. Khi chưa thành lập được UBND mới, việc thực hiện vai trò, chức năng của chính quyền địa phương là như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định sự cần thiết xây dựng dự thảo nghị quyết này và đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung đánh giá về việc thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2009 - 2015 để có thêm thực tiễn đề xuất mô hình phù hợp.
Bên cạnh yêu cầu rà soát kỹ các luật liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng không nên đưa vào tờ trình nghị quyết “cứng” 177 phường và nên có điều khoản ưu tiên áp dụng nghị quyết trong một số vấn đề cụ thể nào đó.
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, về tổ chức UBND phường, Bộ Nội vụ đề xuất gồm có Chủ tịch và từ 1 - 2 Phó Chủ tịch; các ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an. Các thành viên UBND do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.
UBND phường thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp và ủy quyền của UBND quận. Ngoài ra UBND phường còn phải hướng dẫn và phối hợp với tổ trưởng dân phố thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND phường hoạt động theo chế độ tập thể, nhưng đề cao thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND trong quản lý điều hành hành chính. UBND phường chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã; chịu sự giám sát của HĐND và đại biểu HĐND quận, thị xã; đồng thời chịu sự giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phường.
Thế Kha