1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thi công xây dựng làm hỏng nhà lân cận có thể bị kiện

(Dân trí) - Tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng vi phạm quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, nếu không thỏa thuận được việc bồi thường thì bên bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

Bộ Xây dựng vừa có Thông tư số 02/2014/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Thi công xây dựng làm hỏng nhà lân cận có thể bị kiện


Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng vi phạm quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật); có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.

Cụ thể, sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại. Nếu buổi thỏa thuận lần đầu không thành hoặc bên bị thiệt hại vắng mặt mà không có lý do chính đáng, thì sau 7 ngày, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần 2.

Tại buổi thỏa thuận lần 2 mà bên bị thiệt hại tiếp tục vắng mặt không có lý do chính đáng thì bên vi phạm được tiếp tục thi công xây dựng sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mức tiền bảo lãnh căn cứ vào yêu cầu của bên bị thiệt hại, có xem xét đến đề nghị, giải trình của bên vi phạm.

Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 7 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả.

Nếu một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác và tự chi trả chi phí.

Thông tư cũng quy định, trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

Trường hợp bên gây thiệt hại không bị xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn áp dụng quy định thỏa thuận mức bồi thường nêu trên để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/4/2014.

Lan Hương