1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thừa Thiên Huế:

Thi công hầm đường bộ quốc gia bằng nguồn đất, cát trái phép?

(Dân trí) - Công trình trọng điểm quốc gia - Dự án hầm đường bộ Phước Tượng (tỉnh TT-Huế) qua điều tra của PV cho thấy đã không dùng đúng nguồn đất cát theo quy định (lấy ở mỏ quy hoạch) mà “xé rào” lấy đất, cát không rõ nguồn gốc.

Công trình hầm đường bộ Phước Tượng thuộc Dự án 2 hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, trên quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) được đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư hơn 1.743 tỷ đồng. Dự án khởi công vào tháng 5/2013, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công. Dự án do liên danh nhà đầu tư Phước Tượng - Phú Gia làm nhà đầu tư. Tổng diện tích sử dụng đất khoảng 18ha.

Riêng hầm Phước Tượng có chiều dài 345m, phần đường dẫn và cầu có chiều dài 3,4 km. Đặc biệt tại phần thi công đường dẫn vào hầm Phước Tượng về phía Nam chiều dài 700m, qua điều tra của chúng tôi cho thấy đã lấy đất cát san lấp trái phép - không đúng nơi quy định.
 

Nguồn đất, cát “khả nghi”

Từ thông tin người dân phản ánh, tình trạng lấy đất cát không đúng ở mỏ quy định, phóng viên đã quyết định theo chân một xe chở cát từ đường dẫn hầm Phước Tượng vào nơi lấy cát ở thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc. “Mỏ” cát là một bãi đất trống gần nhà dân và một số mồ mả xung quanh. Một số người lạ đứng cảnh giới nhìn phóng viên với đôi mắt rất khả nghi, dò xét. Hàng chục xe tải và xe cẩu thấy người lạ bỗng dừng hoạt động.

Đất cát lấy từ bãi sát nhà dân và mồ mả ở thôn Nam Phước

Đất cát lấy từ bãi sát nhà dân và mồ mả ở thôn Nam Phước
Nhiều cát ở trên được đưa đến đắp ở đường dẫn vào hầm Phước Tượng

Nhiều cát ở trên được đưa đến đắp ở đường dẫn vào hầm Phước Tượng

Một cái hồ to và rất sâu với nước xanh rêu, bẩn thỉu đã xuất hiện ở giữa “mỏ” là dấu tích của việc lấy cát từ dưới lên để đưa về đắp vào đường dẫn vào hầm Phước Tượng. Vòng quanh hồ là ngổn ngang đất trộn lẫn với rễ cây, cành lá và rác thải từ nơi khác về. Một số ngôi mộ đã bị xâm lấn bởi việc đào cát đến gần chân mộ.

Ở một con đường khác dẫn vào khu vực thôn Thủy Yên, xã Lộc Thủy – cách “mỏ” cát trên chừng 3km là một quả đồi bị bạt hết gần nửa nằm sát công trình hồ chứa nước Thủy Cam – Thủy Yên. Được biết quả đồi này là đất lâm nghiệp thuộc quản lý của Hợp tác xã Thủy An. Nhiều gốc cây nằm sát nửa mép đồi còn lại chuẩn bị “ra đi” khi đất đồi sắp tới sẽ bị lấy tiếp. Có 3 chiếc xe múc đất đang giờ nghỉ trưa nằm sát đó.

Nhiều cát ở trên được đưa đến đắp ở đường dẫn vào hầm Phước Tượng
Quả đồi thôn Thủy Yên bị bạt hơn nửa, nhiều đất ở đây cũng được chở về đắp vào đường dẫn hầm Phước Tượng

Chờ đến chiều, hàng loạt xe tải vào đây lấy đất “tự nhiên” như chốn không người hay có sự thỏa thuận từ trước giữa chính quyền và dự án. Sau khi phủ thùng xe bằng lớp bạt phủ, tài xế cho xe chạy ra hầm Phước Tượng.

Ở lối vào nơi thi công đường dẫn hầm, một người đàn ông trung niên giọng Bắc cứ thấy xe nào vào là xuất hiện, mở bạt ra chụp ảnh để ghi nhận số lượng chuyến. Chỉ khoảng 1 tiếng, chúng tôi thấy có gần chục lượt xe chở cát, đất đầy ắp tấp nập ra vào công trường.

Nhiều cát ở trên được đưa đến đắp ở đường dẫn vào hầm Phước Tượng
Mỗi chuyến xe chở đất, cát từ 2 nơi trên đều được người đàn ông (mặc áo trắng) chụp ảnh cẩn thận để nắm rõ số lượng. Các xe chở sạn, vật liệu khác thì thấy không chụp hình

Theo người dân địa phương phản ánh, việc lấy đất, cát đã diễn ra từ trước Tết đến nay. Vì 2 vị trí ở thôn Nam Phước và thôn Thủy Yên không phải là mỏ khai thác từ nhiều năm nay nên việc “bỗng nhiên” bị dự án vào lấy đất, cát khiến người dân nghi vấn dự án làm trái pháp luật.

Dự án gấp gáp nên tận dụng đất dôi dư!

Để làm rõ thực hư, chúng tôi về tại Ban quản lý xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia BOT ngày 13/3. Lần đầu không gặp được Trưởng ban, ông Nguyễn Đăng Ý, chúng tôi điện thoại hẹn làm việc với ông Ý vào ngày 15/3. Nhưng đến lần hẹn thứ hai, tiếp chúng tôi là một người tên Thắng, xưng là cán bộ kỹ thuật của dự án này, tiếp khách thay ông Ý bận việc đột xuất.

Ông Thắng cho biết, do tính chất gấp gáp của công trình trọng điểm quốc gia nên dự án đang xúc tiến các thủ tục tiến hành xin cấp mỏ lấy đất cát. Cụ thể các mỏ thế nào thì ông không biết; đã được cấp hay chưa thì phải hỏi ông Ý. Ông Thắng cũng cho biết tuần nào cũng có đoàn từ ngoài Bộ hay tỉnh về công trường kiểm tra nhưng không có sai sót.

Sáng 17/3, chúng tôi điện thoại 3 cuộc với ông Ý nhưng ông này không nhấc máy, nhắn tin không trả lời. Về lại hiện trường một lần nữa, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Dinh, Chỉ huy trưởng công trình, cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty TNHH Hưng Phát (đơn vị phụ trách san lấp mặt bằng, là 1 trong 4 nhà đầu tư liên danh dự án hầm Phước Tượng Phú Gia). “Hiện hồ sơ mỏ tụi em đang hoàn thiện. Do dự án gấp gáp quá phải vừa làm vừa xin. Chúng em có tận dụng đất dôi dư ở trong dân để lấy vào làm đường dẫn hầm” - ông Dinh trả lời khi được PV hỏi về tính pháp lý nơi được gọi là “mỏ” đất, cát mà dự án này lấy để thi công.

Khi được hỏi: “Đất dôi dư trong dân có phải là đất của mỏ được chỉ định hay không?”, ông Dinh không trả lời được. Hỏi tiếp về văn bản lấy đất giữa dân và dự án, ông Dinh nói không có.

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, một cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh TT-Huế cho hay, dự án này chưa làm xong thủ tục cấp mỏ. Hiện các mỏ được tỉnh chỉ định cấp cho dự án hầm Phước Tượng – Phú Gia nằm nơi khác chứ không phải ở thôn Nam Phước và Thủy Yên như trên.

Nhiều cát ở trên được đưa đến đắp ở đường dẫn vào hầm Phước Tượng

Đường dẫn vào hầm Phước Tượng theo ghi nhận đã có việc lấy đất, cát bừa bãi ở nơi không được khai thác.

Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không sự “thỏa thuận ngầm” giữa dự án với chính quyền địa phương để lấy đất, cát trái phép khi chưa hoàn tất thủ tục về mỏ khai thác? Chất lượng của nguồn đất, cát trôi nổi mà dự án lấy có đảm bảo yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt của một hầm đường bộ quốc gia?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này.

Phước Tượng - Phú Gia là dự án trọng điểm quốc gia về hầm đường bộ trên quốc lộ 1A. Dự án sau khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến quốc lộ Bắc - Nam, giải quyết tình trạng đồi núi chia cắt trên tuyến giao thông huyết mạch của đất nước, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi lễ khởi công ngày 18/5/2013 đã nhắc nhở chủ đầu tư và địa phương và các bộ ban ngành, do đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng nên yêu cầu các bên phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai dự án, bảo đảm chất lượng, an toàn trong quá trình thi công để đưa dự án vào đúng tiến độ các công trình.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm