1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Theo dõi bằng vệ tinh để ứng cứu kịp thời tàu cá gặp nạn

(Dân trí) - Mỗi năm Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão dữ. Riêng đợt không khí lạnh giữa tháng 12/2010 đã làm 25 tàu chìm, 7 người tử nạn và 48 người mất tích. Bộ NN&PTNT đang triển khai theo dõi tàu cá bằng vệ tinh để ứng cứu tàu gặp bão kịp thời hơn.

Ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết có thể nảy sinh những loại thiên tai không ngờ, chẳng hạn gió mùa Đông Bắc và không khí lạnh trên biển giờ đây cũng có thể gây những đợt cuồng phong đe dọa an toàn tàu thuyền, tính mạng của người đi biển.

Bằng chứng là đợt gió mùa Đông Bắc vừa tràn về vào các ngày từ 14 đến 17/12/2010 vừa qua, sức gió trên biển giật đạt tới cấp 9-10 (mạnh như bão, trong khi trước đây thường chỉ đạt từ cấp 4 đến cấp 6), bao phủ toàn bộ khu vực vịnh Bắc bộ, vùng biển Trung bộ, khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… là những nơi có nhiều tàu cá hoạt động, đã làm hàng chục ngư dân gặp nạn vì không kịp trở tay.

Theo dõi bằng vệ tinh để ứng cứu kịp thời tàu cá gặp nạn - 1

Khi triển khai việc quản lý theo dõi bằng vệ tinh thì sẽ nắm bắt vị trí tàu gặp nạn để triển khai ứng cứu kịp thời. (Ảnh: Internet)

Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) công bố, hiện cả nước có tới 132.000 tàu cá các loại. Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng thống kê trung bình mỗi tháng ở nước ta có 20-26 vụ tai nạn tàu cá, tính chung cho cả tai nạn do bão tố, sự cố kỹ thuật, an toàn hàng hải…

Theo ông Chu Tiến Vĩnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện nay việc theo dõi các tàu cá ở trên biển vẫn chỉ dựa vào hệ thống theo dõi trực canh đặt tại bờ biển, thông qua hình thức bộ đàm để liên lạc. Theo ông, nhược điểm của mô hình này là không chủ động nắm bắt được vị trí của các tàu cá. “Phải hỏi ngư dân đang ở chỗ nào thì bà con mới trả lời về tọa độ”.

Tuy nhiên, xảy ra tình trạng ngư dân vì mục đích giấu ngư trường nên không khai báo về nơi đánh bắt hoặc cố tình khai báo sai, cho nên không rõ tàu có nằm ở khu vực bão đi qua hay không, khi tàu gặp nạn, việc tìm kiếm cứu hộ nhiều khi như “mò kim đáy bể”.

Theo dõi bằng vệ tinh để ứng cứu kịp thời tàu cá gặp nạn - 2
Ông Chu Tiến Vĩnh: "cơ quan chức năng ở đất liền có thể chủ động, liên tục theo dõi tọa độ của từng con tàu trên biển từ vệ tinh" (Ảnh: Internet)

Trước thực trạng thiên tai ngày càng cực đoan, Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN đang triển khai một mô hình mới là quản lý tàu cá bằng công nghệ vệ tinh, thông qua sản phẩm có tên gọi “movimar” của Pháp.

“Đây là hệ thống rất hiện đại, sử dụng toàn bộ thiết bị cũng như dịch vụ vệ tinh của Pháp. Trước mắt sẽ triển khai lắp đặt hệ thống tín hiệu trên 3.000 tàu cá xa bờ để ngư dân chủ động đón nhận các thông tin về các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc được đưa ra từ đất liền cũng như các cơ quan chức năng ở đất liền có thể chủ động, liên tục theo dõi tọa độ của từng con tàu trên biển”- ông Vĩnh nói.

Theo đó, để điều hành và theo dõi toàn bộ hoạt động của 3.000 tàu cá trên biển, sẽ xây dựng 3 trung tâm điều hành lớn, một đặt tại Hà Nội, một tại Hải Phòng và một đặt tại TP Vũng Tàu. Năm 2011, dự án theo dõi tàu cá bằng vệ tinh sẽ bắt đầu được triển khai.

Ông Vĩnh cũng cho biết, theo Quyết định 48 của Chính phủ về hỗ trợ phương tiện thông tin liên lạc cho các tàu cá thì sẽ có thêm một hệ thống quản lý và theo dõi nữa là thông qua tín hiệu GPS và bộ đàm ICOM. Đây cũng sẽ là hệ thống gần tương tự như movimar, có thể giúp liên lạc dễ dàng giữa các tàu cá và bờ, theo dõi chính xác tọa độ nhưng chỉ áp dụng cho các tàu cá hoạt động ở các khu vực như Hoàng Sa, Trường Sa.

Anh Đô - Văn Phúc