Thêm một sự thật về rau an toàn
(Dân trí) - Nhu cầu sử dụng rau sạch (rau an toàn) của người dân thành phố đang ngày càng tăng. Nhưng, kết quả của đợt kiểm tra hàng loạt cơ sở sản xuất, siêu thị, cửa hàng bán rau sạch trên địa bàn Hà Nội vừa qua khiến người tiêu dùng “ngã ngửa”...
“Rau sạch” - Bẩn từ nơi sản xuất
Qua lời giới thiệu và sự hướng dẫn của một người quen, chúng tôi đến xã V.N - Đông Anh, Hà Nội, nơi chuyên cung cấp rau sạch cho thị trường Hà Nội. Nhìn những luống rau cải, dưa chuột, đậu, hành trồng trong nhà kính đang lên xanh mượt, ai cũng cảm thấy yên tâm: đúng là một trung tâm rau sạch!
Nhưng những điều tận mắt chứng kiến khiến chúng tôi thực sự bàng hoàng. Ấn tượng đầu tiên là nguồn nước dùng để tưới rau sạch có màu đen gần giống nước sông Tô Lịch. Ngay cạnh các ruộng rau, những đống rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, rác thải, chất bẩn, chất độc hại sẽ theo rãnh chảy xuống vườn rau.
Đến gần hơn nữa, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy vô số vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, với những hàng chữ mầu xanh, đỏ in nhằng nhịt và khá nhoè nhoẹt, được những hộ trồng rau “hồn nhiên” quẳng ngay trên đầu các luống rau, cạnh những hố nước dùng để pha thuốc. Chúng tôi nhặt một vỏ bao bì này lên xem, cố gắng thử đọc một vài thông tin cơ bản về liều lượng pha chế, thời gian cách ly… nhưng đành chịu vì trên vỏ bao toàn in tiếng Trung Quốc.
Ở một khu vực trồng rau khác tại thôn B - Thanh Trì, Hà Nội - cũng xuất hiện tình trạng tương tự.
Một chủ hộ trồng rau tên Lành tiết lộ: “Đó là vỏ bao các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng… Những loại thuốc này nhập từ Trung Quốc, giá rất rẻ lại cực dễ mua, nên được rất nhiều hộ trồng rau ưa chuộng. Cách phun tưới thì do người bán hàng hướng dẫn hoặc dựa vào kinh nghiệm của từng hộ.
Vỏ bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi cạnh ruộng rau.
(Ảnh: Vương Quân)
Loại thuốc được dùng phổ biến nhất hiện nay là thuốc kích thích tăng trưởng. Dùng nó tưới cây sẽ rút ngắn vụ được 7 - 10 ngày. Ở đây, nhà nào “nhân đạo” thì sau khi phun một tuần mới bán, còn thường thì chỉ để 3 - 4 hôm. Vì làm nghề đã lâu nên tôi biết nhiều hộ trồng rau ở các khu vực khác đều làm thế. Vẫn nhập vào siêu thị ầm ầm. Giấy đảm bảo chất lượng rau an toàn thì cũng không khó. Chúng tôi chỉ cần có một vài đầu rau!”.
Phần lớn siêu thị bán rau sạch không đạt chuẩn
Mới đây, ông Vương Trí Dũng, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết: Qua kiểm tra 44/66 cơ sở, cửa hàng được Sở Thương mại Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh rau an toàn, lực lượng quản lý thị trường phát hiện 10 điểm không còn hoạt động.
Hầu hết các điểm còn lại đều vi phạm quy định về kinh doanh rau an toàn. Các vi phạm phổ biến gồm: nguồn gốc rau không rõ ràng, số lượng rau không tương ứng với phiếu giao nhận, thiếu giấy chứng nhận rau không an toàn...
Còn tại các siêu thị, những nơi được coi là uy tín nhất về chất lượng hàng hoá?
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, chỉ mới kiểm tra sơ bộ gần chục siêu thị lớn nhỏ đóng trên địa bàn thành phố, đã phát hiện phần lớn các đơn vị kinh doanh này có sai phạm về mặt thủ tục nhập hàng.
Rất nhiều siêu thị chỉ nhập của một nhà cung cấp, nhưng nhà cung cấp đó chỉ đáp ứng già nửa chủng loại rau củ theo yêu cầu nên đã móc nối với một địa chỉ cung cấp khác cung cấp số chủng loại còn thiếu rồi dán tem nhãn của mình vào. Thậm chí có siêu thị ra tận chợ đầu mối, nhập rau rồi dán tem phô tô vào.
Kiểm tra tiếp 17 cơ sở bán rau sạch bên ngoài - nơi chuyên cung cấp rau an toàn với số lượng lớn, số lượng người mua luôn ổn định - cũng phát hiện 3 cơ sở bán “rau sạch” có dư lượng hoá chất độc hại vượt hàng chục lần mức cho phép, nhất là rau cải, dưa chuột, đậu đỗ.
“Hiện Hà Nội tự cung cấp được khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ rau của toàn thành phố. Số rau này do 17 vạn hộ trồng rau cả sạch và không sạch đáp ứng, cùng với sự “giúp sức” của 300 địa điểm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ sản xuất, buôn bán thì đóng rải rác nhỏ lẻ khắp nơi. Trong khi đó, cả Chi cục có... 5 thanh tra chịu trách nhiệm quản lý chất lượng rau và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Có thể thấy rõ, với số lượng cán bộ chuyên trách quá ít ỏi như vậy, chỉ riêng việc quản lý danh sách các hộ này cũng chưa chắc đã hoàn thành” - bà Hoa cho biết.
Sạch hay không, tuỳ “lương tâm” nhà cung cấp
Ông Vũ Vĩnh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương Mại Hà Nội, cho biết: Thành phố tiêu thụ mỗi ngày trên dưới 100 tấn rau, củ, quả các loại. Trong số này có khoảng 20% đăng ký là hàng “sạch”, được bán rải rác ở khắp nơi và thông qua một hệ thống quan trọng là siêu thị.
Trên địa bàn thành phố có 43 siêu thị, 3 trung tâm thương mại lớn, nhỏ. Phần lớn các siêu thị có bán rau, củ, quả tươi thường thông qua một đầu mối cung cấp. Đầu mối này có trách nhiệm xuất trình các loại giấy tờ đảm bảo về chất lượng hàng hoá mình cung cấp. Nếu có sai phạm xảy ra, chính nhà cung cấp sẽ phải chịu trách nhiệm. Siêu thị chỉ quản lý, kiểm tra giấy tờ đảm bảo chất lượng mà mặt hàng nhà cung cấp đem tới.
Trên thực tế, dù có bị phát hiện sai phạm đi chăng nữa, siêu thị cũng chỉ bị phạt 500.000 đến 1,2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, có rất nhiều cửa hàng rau an toàn nằm rải rác trong thành phố mọc lên theo kiểu tự phát, không hề có sự quản lý của một cơ quan chức năng nào về chất lượng an toàn, cứ thấy có cầu thì có cung, mạnh ai nấy bán.
“Sản xuất ra rau sạch thì chi phí đầu tư thường cao, năng suất lại thấp hơn so với sản xuất rau thường, do vậy giá của rau sạch cao hơn so với rau thường (gấp 4 lần). Nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít cơ sở sản xuất và kinh doanh đã vi phạm quy trình sản xuất, gian dối người tiêu dùng. Kết quả là các sản phẩm rau sạch nhưng lại bẩn khiến người tiêu dùng hoài nghi, thậm chí hoang mang không biết nên tin vào đâu.
Chịu thiệt thòi nhiều nhất là những cá nhân, tổ chức làm tốt. Vì vậy, cần phải có những chế tài cụ thể để xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm về chất lượng rau an toàn. Có như vậy mới tạo được sự công bằng và khuyến khích những đơn vị, cá nhân làm tốt cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng” - ông Phú nói.
Ai cũng biết thực phẩm không an toàn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người đặc biệt là trẻ em. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn về rau sạch và họ sẵn sàng trả giá cao hơn để có sản phẩm này. Nhưng nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện nay thì thật khó cho người tiêu dùng phân biệt đâu là sạch, đâu là bẩn và mác “rau sạch” vẫn cần rất nhiều nỗ lực để có được hoàn toàn niềm tin của người tiêu dùng.
Sau kết quả đáng giật mình của đợt kiểm tra vừa qua, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Anh - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội.
Rau an toàn phải đảm bảo những tiêu chí nào, thưa ông?
Quy định về rau an toàn dựa trên 4 tiêu chuẩn. Thứ nhất là hàm lượng kim loại nặng được khống chế ở mức cho phép, nó phụ thuộc bởi nước tưới, chất đất và phân bón.
Thứ hai là hàm lượng Nitrat chủ yếu là do phân bón bằng phân đạm urê. Nếu người dân bón phân quá gần ngày quy hoạch thì hàm lượng sẽ cao. Nếu muốn giảm hàm lượng thì phải khuyến cáo người dân không sử dụng phân đạm muộn.
Thứ ba là hàm lượng vi sinh vật trong rau. Hàm lượng này bị ảnh hưởng chủ yếu do nước tưới và phân bón. Theo quy định, chỉ được dùng nước giếng khoan hoặc nước sông lớn và không bón phân tươi (phân chưa qua xử lý).
Cả 3 tiêu chuẩn trên nhìn chung không khó thực hiện. Cái khó nhất là tiêu chuẩn thứ tư, đó là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau. Đây cũng là thứ mà người tiêu dùng e ngại nhất về chất lượng rau hiện nay. Nhiều nơi vẫn sử dụng thuốc BVTV muộn, không bảo đảm dư lượng an toàn ở mức cho phép.
Việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay ở Hà Nội thực tế đang diễn ra như thế nào?
Về cơ bản, những vùng sản xuất rau đã được tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng thuốc hoá học thế hệ mới, thuốc sinh học không thuộc nhóm cũ. Đối với những vùng chưa đựơc tuyên truyền, trên thực tế vẫn còn sử dụng loại thuốc ngoài danh mục cho phép, mà chủ yếu là thuốc từ Trung Quốc.
Vậy phía chi cục đã có cơ chế xử phạt chưa?
Đối với những hành vi vi phạm sử dụng thuốc BVTV như trồng rau không đúng kỹ thuật và thời gian cách ly gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, chế tài này không áp dụng được vì người nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, không có kinh tế để xử phạt. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã tập trung quản lý chặt những nơi kinh doanh thuốc BVTV, từ đó làm trong sạch nguồn thuốc được cung cấp cho địa bàn.
Giấy chứng nhận rau an toàn của các cở sở sản xuất có thời hạn không, thưa ông?
Giấy chứng nhận rau an toàn do Sở NN&PTNT cấp cho những cơ sở sản xuất đủ điều kiện và đạt yêu cầu sau khi đã được Chi cục Bảo vệ thực vật đi thẩm định. Sau khi cấp, chúng tôi vẫn phải đi kiểm tra thường xuyên. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý, thậm chí thu hồi.
Giấy chứng nhận này có thời hạn 1 năm. Hiện chúng tôi đã đề xuất sở NN&PTNT tăng thời hạn lên 3 năm.
Vậy tem mã vạch là do cơ sở sản xuất hay cơ sở kinh doanh rau dán trên mỗi sản phẩm?
Tem mã vạch là do cơ sở sản xuất đóng trên mỗi sản xuất trước khi đem đi tiêu thụ. Đây là những cơ sở đã đăng ký thương hiệu tại cục sở hữu trí tuệ, và đăng ký mã vạch của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Khi đó, cơ sở sản xuất được gắn mã vạch đó lên sản phẩm để khẳng định nguồn gốc xuất xứ.
Nhưng đã có chuyện người ta phô tô tem mã vạch để dán vào những sản phẩm thực tế không phải là rau được sản xuất tại đây?
Cái đó thực ra không có ý nghĩa. Vì cái tem này cũng không thể khẳng định đây là rau an toàn.
Ông nhận xét thế nào về mức độ an toàn của rau ngoài thị trường hiện nay? Do không được kiểm soát nên sẽ không tránh khỏi có một tỷ lệ rau có dư lượng thuốc BVTV có nồng độ cao hơn mức độ cho phép. Thuốc này chủ yếu nhập từ Trung Quốc bằng được tiểu ngạch. Vì vậy chúng tôi muốn kiến nghị với các cơ quan chức năng như hải quan cần quản lý chặt chẽ ngay từ nơi cửa khẩu. |
P. Thanh - Lan Hương