Nghệ An:
Thêm một lao động Việt tử nạn tại Angola
(Dân trí) - Mới chỉ sang Angola làm việc chưa đầy 2 tháng, anh Nguyễn Đức Cao đã phải bỏ mạng nơi xứ người. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nạn nhân bị sốt rét ác tính nhưng không được chữa trị kịp thời.
Thông tin từ gia đình ông Nguyễn Đức Đại (trú tại xóm 7, xã Nghi Kim, Tp Vinh, Nghệ An) cho biết, con trai thứ 2 của ông bà là Nguyễn Đức Cao (SN 1988) đã tử nạn trong thời gian làm việc tại Angola.
Theo gia đình nạn nhân, cách đây 2 tháng, anh Nguyễn Đức Cao sang Angola làm việc qua sự môi giới của một công ty xuất khẩu lao động có trụ sở tại Hà Nội. Chi phí cho chuyến xuất khẩu lao động này là 130 triệu đồng. Tại Angola, anh Cao được bố trí làm công nhân xây dựng. Tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt, anh Cao bị ốm. Đến khoảng cuối tháng 2/2013 anh bị lên cơn sốt, đưa đến bệnh viện thì tử vong. Nguyên nhân được xác định là do bị sốt rét ác tính.
Mặc dù qua đời từ ngày 1/3 nhưng mãi tới chiều hôm nay (5/4), thi thể của anh Cao mới được đưa về nước do vướng thủ tục và chi phí.
Cũng trong chiều nay, thi thể của nạn nhân Nguyễn Công Nguyên (SN 1984, trú tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) cũng sẽ được đưa về quê an táng. Anh Nguyễn Công Nguyên là nhân vật đã được báo Dân trí phản ánh. Anh sang Angola làm việc thông qua một đường dây xuất khẩu lao động "chui" và tử vong do sốt rét. Tuy nhiên việc đưa thi thể anh Nguyên về nước gặp rất nhiều khó khăn do chi phí điều trị quá lớn chưa được thanh toán với bệnh viện.
Đến khi có sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, thi thể anh Nguyên mới được đưa ra khỏi bệnh viện và đưa về Việt Nam. Theo người nhà anh Nguyên cho biết, tính đến nay, ngoài số tiền do các tổ chức, anh em lao động người Việt tại Angola quyên góp, ủng hộ, gia đình phải chi trả số tiền lên tới 500 triệu đồng để đưa thi hài nạn nhân về mai táng.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại Bộ LĐ-TB&XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang làm việc tại Angola. Hầu hết các lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola đều đi theo đường dây xuất khẩu lao động "chui" và thường phải chịu chi phí đắt đỏ nhưng có nguy cơ chịu nhiều rủi ro trong quá trình làm việc tại đây.
Hoàng Lam