Thêm kho chứa mủ của công ty cao su đầu độc người dân
(Dân trí) - Không chỉ có nhà máy chế biến xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường mà một nông trường khác của Công ty cao su Hà Tĩnh ở huyện Hương Khê cũng có hành vi "đả thương" môi trường tương tự, khiến hàng trăm người dân lãnh đủ.
Sống chung với mùi hôi thối
Từ lời kêu cứu của người dân, những ngày gần cuối tháng 9, chúng tôi có mặt tại xóm Vĩnh Ngọc, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, kiểm chứng lời phản ánh: gần 100 hộ dân đang sống trong cảnh khổ sở, điêu đứng vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ nguồn nước thải của kho chứa mủ cao su của Nông trường Hàm Nghi, Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty cao su Hà Tĩnh).
Dù vừa có mưa lớn nhưng xóm nghèo Vĩnh Ngọc vẫn sặc sụa mùi hôi thối. “80 hộ dân ở đây khốn đốn vì nước thải mủ cao su chú ơi. Cứ mỗi cơn gió thổi qua thì bày tui không thể thở được. Thối và khó chịu đến nỗi nhiều hôm chỉ biết vào nhà đóng cửa lại mà cũng không ăn thua. Ngồi ăn cơm mà có khi phải dùng cả khăn, áo bịt miệng lại” - bà Trần Thị Vinh, một hộ dân xóm Vĩnh Ngọc ngán ngẩm nói.
Một người dân khác tiếp lời: những khi mưa xuống, nước thải chảy đầy vào vườn nhà tôi. Biết ô nhiễm mà cũng đành chịu. Người lớn còn đỡ nhưng trẻ con thì tội lắm. Tôi sợ nhất là nguồn nước giếng của nhà mình sẽ bị ô nhiễm.
Nguồn nước thải bốc mùi băng qua xóm Vĩnh Ngọc
Nhiều người dân địa phương phàn nàn, từ khi có kho chứa mủ cao su, người dân trong xóm cứ đau ốm liên miên. Không những thế, nước thải từ kho chứa mủ này còn xả thẳng xuống cánh đồng Nấy của người dân xóm Vĩnh Ngọc khiến không ít đám ruộng ở đây phải bỏ hoang. Nhiều đám ruộng trở thành một đầm lầy trắng phớ nước thải mủ cao su, đến cỏ dại cũng không sống nổi.
Trước tình trạng ô nhiễm quá nặng gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt và sức khoẻ, hơn 1 năm qua, nhân dân xóm Vĩnh Ngọc đã nhiều lần kêu cứu lên chính quyên xã Hương Vĩnh song không nhận được câu trả lời. Bà Trần Thị Vinh bức xúc: “Dân chúng tôi kiến nghị nhiều lần lắm rồi, nhưng kiến nghị mãi mà không được giải quyết. Chắc mấy ông trồng cao su muốn chúng tôi chết vì ô nhiễm rồi mới tới cũng nên”.
Chị Nguyễn Thị Tùy cho biết tình trạng ô nhiễm khiến chị đổ bệnh, phải thuốc men thường xuyên
Nước thải tới đâu, ruộng chết tới đó
Để làm rõ "nghi án" kho chứa mủ cao su gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã đột nhập vào kho chứa mủ cao su của Nông trường Hàm Nghi. Kho được xây sơ sài với mấy bức tường lửng, lợp mái phê-brô ximăng. Phía sau kho chứa, dòng nước mủ cao su đục như nước gạo xả thẳng ra môi trường, chảy lênh láng.
Kho chứa mủ cao su của Nông trường Hàm Nghi. Phía sau là dòng nước thải không xử lý được xả thẳng ra môi trường
Có lẽ để nước mủ cao su thoát nhanh hơn, phía Nông trường Hàm Nghi đã cho đào một con mương nhỏ ngay phía sau kho. Nước mủ cao su cứ thế chảy theo con mương nhỏ này băng qua nhiều khu vực trồng cao su trước khi đổ xuống cánh đồng của người dân.
Những nơi nước mũ cao su chảy qua cỏ dại chết úa vàng
Sự độc hại của dòng nước thải này có thể nhận thấy ngay, không chỉ ở mùi hôi thối bốc lên hết sức khó chịu mà ở những nơi nước thải đi qua, hệ thực vật gần như không sống nổi. “Không ai cày cấy chi được ở đây vì mùi hôi thối, vì sợ lội xuống ruộng lở loét chân tay, đành bỏ không vậy” - một người đàn ông dẫn chúng tôi đi xem “ruộng chết” cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch xã Hương Vĩnh - thừa nhận thực trạng nước thải mủ cao su không được xử lý tuồn ra môi trường, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong xã. Ông Thanh cho biết cách đây hơn 1 tháng đã có tờ trình gửi cho Công ty Cao su Hà Tĩnh và Nông trường Hàm Nghi đề nghị có hướng giải quyết. Hiện xã vẫn đang chờ phương án xử lý từ phía Công ty cao su.
Về vấn đề này, lãnh đạo Công ty Cao su Hà Tĩnh thừa nhận có thực trạng kho chứa mủ cao su của Nông trường Hàm Nghi gây ô nhiễm ở xã Hương Vĩnh. Phía công ty lý giải: sở dĩ có thực trạng trên là do thời gian qua trữ lượng mủ được khai thác vượt cao so với công suất chế biến hiện có của nhà máy cũ, trong khi nhà máy mới thì đang xây dựng dở chưa hoàn thành. Đây là lý do khiến lượng mủ bị tồn đọng tại kho chứa nhiều, một phần nước thải chảy ra ngoài gây ô nhiễm.
Lãnh đạo công ty Cao su Hà Tĩnh cho biết, giải pháp khắc phục thực trạng nêu trên là cho xoá bỏ kho chứa này và tập trung mủ về bể chứa của công ty chế biến trong thời gian sớm nhất.
Văn Dũng - Lê Bá